1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bác sĩ kêu khổ vì ma túy, hàng đá

Hầu hết người sốc ma túy, ngáo đá được bác sĩ cứu xong trốn viện bỏ về, không thanh toán viện phí.

Hầu như ngày nào khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cũng tiếp nhận và điều trị 3-4 trường hợp ngộ độc ma túy, “ngáo đá” hoặc sốc thuốc lắc. “Thậm chí có người vô bệnh viện 2-3 lần chỉ trong vài tuần do sốc thuốc” - BS Đặng Thị Mỹ Hiền, Phó Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định, cho biết.

Hết “phê”, len lén bỏ trốn

Mới đây, PV có mặt tại khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định. Vừa rạng sáng, một thanh niên độ 26 tuổi mê man được vài người trạc tuổi dìu vô rồi đỡ lên giường bệnh.

Bệnh nhân có biểu hiện thở chậm, môi tím tái, mê man, lừ đừ. Không chỉ vậy, mu bàn tay, cổ tay, mặt trong khuỷu tay có dấu kim chích. BS Hiền lấy đèn soi mắt người thanh niên thì phát hiện đồng tử co nhỏ. “Người này bị ngộ độc ma túy, cần phải giải độc, để lâu dễ có nguy cơ suy hô hấp” - BS Hiền cho biết.

Bác sĩ lập tức chỉ định nhân viên y tế cho nạn nhân thở máy, truyền dịch, đồng thời chích thuốc giải naloxon. Khi y tá hỏi tìm người nhà để ghi bệnh án, cô gái đưa vào bệnh viện khi nãy nói: “Chúng tôi là người đi đường, thấy anh ta giãy giụa, mê sảng nên đưa vô bệnh viện giúp”. Lát sau, người này quày quả bỏ đi.

“Cô ta chắc chắn là bạn của anh chàng phê thuốc. Thấy anh này sốc thuốc quá nặng nên đưa vô bệnh viện vì sợ bạn chết” - một y tá cho biết.

Gần sáng, BS Hiền quay lại giường người sốc thuốc nhưng bệnh nhân đã… biến mất. “Chậc, lại trốn viện rồi. Nhiều người như vậy lắm, sau khi được giải độc, tỉnh táo là lén bỏ về, không thanh toán chi phí điều trị!” - BS Hiền khẽ lắc đầu.

Bác sĩ kêu khổ vì ma túy, hàng đá - 1

Nhân viên y tế xử lý vết thương đầu do người sốc hàng đá tự gây ra. Ảnh: TRẦN NGỌC

“Ngáo đá” tự gây thương tích

Cũng tại khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định, một thanh niên 24 tuổi bị vết thương ở đầu được hai người trạc tuổi đưa tới. Người này rất hung hăng, xô giường đạp ghế, trừng mắt dữ tợn nhìn những người xung quanh. “Tôi đi ngang, thấy anh ta gây gổ với người đi đường, lại bị chảy máu ở đầu nên vội đưa vô đây. Tôi với anh ta hoàn toàn không quen biết” - một trong hai người thanh niên nói rồi bỏ đi.

Người thanh niên trong trạng thái kích động, la hét, không chịu hợp tác với nhân viên y tế. Sau một lúc vất vả, nhờ sự hỗ trợ của bảo vệ bệnh viện, y tá cũng đã tiêm được liều thuốc an thần khiến người này lịm dần. “Người này bị sốc do chơi hàng đá nên nhịp tim đập nhanh. Người “ngáo đá” dễ kích động, hay rơi vào hoang tưởng nên thường đập phá, gây hấn với những người chung quanh... Thậm chí tự gây thương tích cho chính mình. Vết thương đầu nhiều khả năng là do bệnh nhân tự dùng vật cứng đập vào” - một bác sĩ điều trị nói.

Trong lúc người thanh niên nằm yên do tác dụng thuốc an thần, nhân viên y tế đưa anh ta vô phòng tiểu phẫu khâu vết thương đầu. Không lâu sau người này tỉnh lại và hỏi mọi người sao lại ở trong bệnh viện, sao đầu bị băng bó. “Người sốc hàng đá thường không nhớ những gì họ đã làm trước đó” - bác sĩ điều trị cho biết thêm.

Cách đây vài ngày, khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115 (TP.HCM) tiếp nhận một nam thanh niên cũng có dấu hiệu “ngáo đá”, mình mẩy trầy xước. Người bệnh la hét, xô đẩy và luôn miệng đòi chết. Bất chấp cơn hung hăng của bệnh nhân, các y tá tìm cách tiêm thuốc an thần và xử lý vết thương. Sau khi tỉnh lại, bệnh viện phải cho về vì người bệnh không có thân nhân cũng chẳng có giấy tờ tùy thân. “Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp ngộ độc ma túy, sốc hàng đá hoặc thuốc lắc mà BV Nhân dân 115 đã cấp cứu. Nếu tính tổng chi phí trong một năm cho dạng bệnh nhân này con số sẽ không nhỏ” - BS Trần Văn Sóng, Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115, cho biết.

Gánh nặng cho bệnh viện

Theo BS Đặng Thị Mỹ Hiền, Phó Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM), trách nhiệm của bác sĩ là cứu người cho dù biết rõ bệnh nhân sử dụng ma túy, cho dù biết chắc họ sẽ lại vào bệnh viện lần hai, lần ba. Chi phí để điều trị một trường hợp ngộ độc do ma túy khoảng 400.000-500.000 đồng, sốc hàng đá hoặc thuốc lắc thì rẻ hơn. đa số người sử dụng ma túy, hàng đá, thuốc lắc sau khi được điều trị đều âm thầm bỏ về, không thanh toán viện phí. Bệnh viện cũng chẳng có thông tin về họ vì khi nhập viện tất cả đều mê man, kích động. Do vậy, bệnh viện phải gánh khoản “nợ” nói trên.

“Thực tế cho thấy hiện vẫn còn nhiều bệnh nhân nghèo, cần sự hỗ trợ từ nhiều phía. Số tiền điều trị những người chơi ma túy, hàng đá hoặc thuốc lắc sẽ có ý nghĩa hơn nếu dùng chạy chữa cho những bệnh nhân này” - BS Hiền nói.

Những bệnh nhân “đặc biệt” này tuổi đời đều trẻ, nhập viện lúc tờ mờ sáng sau một đêm ăn chơi trác táng. Tình trạng này sẽ còn gia tăng nếu cơ quan chức năng không có những giải pháp căn cơ để kéo giảm tình trạng buôn bán và sử dụng ma túy.

BS TRẦN VĂN SÓNG,

Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115

Theo Trần Ngọc

Pháp luật TPHCM