Bác sĩ “choáng” với khối ung thư nặng 3 kg trong bụng nữ bệnh nhân

(Dân trí) - Bệnh nhân 57 tuổi ở Thanh Oai, Hà Nội vào viện với bụng phình to như mang thai. Bác sĩ choáng với khối u đường kính 30 cm, nặng 3 kg.

Bệnh nhân là bà L.T.L., 57 tuổi, trú tại Thanh Thùy, Thanh Oai, Hà Nội. Cách đây khoảng 2 tháng, thấy bụng to nhanh bất thường, 2 chân phù nhiều nên bà đã đi khám tại bệnh viện tuyến huyện và phát hiện có u buồng trứng.

Sau đó, bà L. được chuyển lên một bệnh viện chuyên khoa sản nhưng tại đây không điều trị tình trạng bệnh của bà nên bệnh nhân tìm đến Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.

Bác sĩ “choáng” với khối ung thư nặng 3 kg trong bụng nữ bệnh nhân - 1
Khối ung thư có đường kính chỗ lớn nhất gần 30 cm, trọng lượng lên đến 3 kg.

Theo Ths.BS Nguyễn Hoàng Long, khoa Ngoại Vú - Phụ khoa, Bệnh viện Ung bướu, Hà Nội, kết quả chụp cắt lớp của bệnh nhân cho thấy hình ảnh khối lớn xuất phát từ vùng tiểu khung lên dưới gan phải kích thước 20 x 30 cm, khối thâm nhiễm đè đẩy các tạng ổ bụng, trong ổ bụng có nhiều dịch. Các bác sĩ xác định nguyên nhân khiến bệnh nhân bị phù 2 chi dưới là do u quá lớn chèn ép vào hệ mạch chậu.

Với tình trạng này, nếu không phẫu thuật sớm, khối u sẽ phát triển xâm lấn gây ảnh hưởng chức năng vận động, sức khỏe bệnh nhân suy kiệt nhanh. 

Trong hơn một giờ đồng hồ, ekip khoa Ngoại Vú - Phụ khoa, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đã cắt bỏ hoàn toàn khối u buồng trứng “khổng lồ” có đường kính lớn nhất lên tới 30 cm, nặng gần 3 kg và hút ra tổng cộng 5 lít dịch trong ổ bụng bệnh nhân. Khối u lớn nhưng không dính, ranh giới rõ nên được bóc tách hoàn toàn, không gây tổn thương các cơ quan lân cận. 

Sau mổ 2 ngày, bệnh nhân hết phù chân, sức khỏe hồi phục tốt. 

Theo BS Long, ung thư buồng trứng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân liên quan đến yếu tố di truyền. Giai đoạn đầu bệnh thường tiến triển âm thầm, dễ bị bỏ qua. Vì thế, trong nhiều trường hợp, người phụ nữ không hề có biểu hiện bệnh cho đến khi bệnh phát triển ở giai đoạn muộn. Các phương pháp điều trị đều không mấy khả quan.

Tuy nhiên, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, cơ hội sống sót của bệnh nhân ung thư buồng trứng là rất cao, lên đến hơn 90%.

Điều trị chủ yếu là phẫu thuật và hóa trị. Trong số các bệnh ung thư thì ung thư buồng trứng được xếp vào nhóm khó phát hiện sớm. 

Siêu âm qua đường âm đạo, một số xét nghiệm có thể giúp phát hiện sớm bệnh. Nồng độ chất CA-D125 trong máu ở bệnh nhân ung thư buồng trứng thường tăng cao song đây không phải là chỉ điểm quan trọng để chẩn đoán bệnh.

Trên thế giới, ung thư buồng trứng là ung thư đường sinh dục thường gặp thứ hai sau ung thư cổ tử cung. Ở Việt Nam, ung thư buồng trứng nằm trong nhóm 10 bệnh ung thư có tỷ lệ mắc cao ở nữ giới.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư. Khi phát hiện những bất thường ở bụng và đường tiêu hóa như: bụng to nhanh, đau tức bụng, buồn nôn, nôn, đi tiểu nhiều, đầy hơi hoặc táo bón, người bệnh nên đi khám chuyên khoa ung bướu tại các cơ sở uy tín để được phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị đúng hướng.

Nam Phương