Bác sĩ chỉ cách dễ dàng phát hiện trẻ bị vẹo cột sống

Nam Phương

(Dân trí) - Hiện nay, vẹo cột sống là căn bệnh khá phổ biến. 80-85% các trường hợp là vẹo cột sống vô căn, nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ.

Tranh thủ nghỉ hè, anh Hùng (Hải Dương) tranh thủ đưa cô con gái 12 tuổi lên Hà Nội khám vì thấy con ngồi học bài hay ăn cơm đều bị lệch một bên vai. 

Anh cho biết, từ khi con học lớp 4 anh đã thấy tư thế ngồi của con bị lệch, thích ngồi vẹo về một bên, nhìn trực quan cột sống thấy có độ cong nhẹ. Anh đã đưa con đi khám thì được chẩn đoán bị vẹo cột sống nhẹ. Bé có đeo đai nhưng khó chịu nên chỉ được một thời gian là bỏ. 

Tuy nhiên, từ năm ngoái đến năm nay, anh thấy tình trạng vẹo của con tiến triển rất nhanh, nhìn thấy rõ vẹo nên anh đưa con lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) khám. Con gái anh đã có kinh nguyệt được một năm. 

Bác sĩ chỉ cách dễ dàng phát hiện trẻ bị vẹo cột sống - 1

Theo PGS Sơn, trường hợp của bệnh nhi này sẽ được hội chẩn để đưa ra phương án điều trị tốt nhất (Ảnh: N.P).

Trực tiếp thăm khám cho trẻ, PGS.TS Đinh Ngọc Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống, cho biết, trẻ bị vẹo cột sống 42 độ, bị vẹo nhiều. Nếu để ý một chút cha mẹ có thể dễ dàng phát hiện dấu hiệu trẻ bị vẹo cột sống.

Như trường hợp của bệnh nhi này khi đứng thẳng, hai bên vai không cân, một bên bị lệch, khi hai cánh tay buông thõng xuống có thể thấy một bên tay sát với thân, một bên không. 

Bác sĩ chỉ cách dễ dàng phát hiện trẻ bị vẹo cột sống - 2

Theo PGS Sơn, trẻ đang trên đà phát triển, tình trạng vẹo còn tiến triển nặng nên cần phải can thiệp (Ảnh: N.P).

Đặc biệt, khi để trẻ từ từ cúi xuống và quan sát từ sau lưng, cha mẹ có thể thấy hai xương bả vai không đều nhau, một bên gồ hẳn lên, một bên thấp xuống. Đây đều là các dấu hiệu của vẹo cột sống. 

"Trẻ đang trên đà phát triển, tình trạng vẹo còn tiến triển nặng nên cần phải can thiệp. Với trẻ dưới 10 tuổi, chúng tôi bắt buộc phải chỉ định phẫu thuật. Với trẻ này đã 12 tuổi, có kinh nguyệt một năm, chúng tôi sẽ hội chẩn để có hướng xử lý phù hợp nhất", PGS Sơn nói.

Theo PGS Sơn, hiện nay, gù, vẹo cột sống là căn bệnh khá phổ biến. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ trẻ em bị gù, vẹo cột sống chiếm từ 0,5 đến 1% dân số. Nguyên nhân dẫn đến vẹo cột sống có thể là bẩm sinh, không rõ nguyên nhân (vẹo cột sống vô căn) và vẹo cột sống mắc phải (mắc các bệnh liên quan tới thần kinh - cơ). 

80% các trường hợp bị vẹo cột sống là loại vẹo vô căn. Trong đó, những trường hợp vẹo cột sống bẩm sinh, vẹo cột sống khởi phát sớm (ở trẻ dưới 10 tuổi) cần được theo dõi sát, xử lý sớm nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của phổi, các cơ quan nội tạng khác. 

Các bác sĩ sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố như tuổi, mức độ nặng nhẹ, nguyên nhân mà có chỉ định phù hợp như mặc áo nẹp chỉnh hình, bó bột hay phẫu thuật… 

"Việc phát hiện gù, vẹo cột sống ở trẻ em sớm và điều trị kịp thời sẽ góp phần ngăn chặn và giảm thiểu những biến chứng gây biến dạng nặng cột sống. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của các cơ quan nội tạng khác như phổi, lồng ngực, đồng thời gây ra thiểu sản lồng ngực, phế nang, gây suy hô hấp, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của trẻ. 

Nhẹ hơn bệnh có thể gây ảnh hưởng thẩm mỹ, khiến trẻ tự ti, ảnh hưởng đến phát triển tâm sinh lý", PGS Sơn nói.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị cong vẹo cột sống

PGS Sơn cho biết, trẻ bị vẹo cột sống thường có một số dấu hiệu dễ nhận biết sau:

Thứ nhất là sự cân bằng vai. Cha mẹ để con đứng thẳng tựa vào tường, chân đi đất và so sánh 2 bên vai. Nếu 2 bên không cân mà bên cao bên thấp thì có thể trẻ có vấn đề ở cột sống. 

Thứ 2 là cho trẻ đứng thẳng, 2 cánh tay thõng xuống thân mình, với trẻ bình thường sẽ tạo thành hình tam giác cân đối 2 bên. Với trẻ bị vẹo cột sống, cha mẹ có thể thấy vai lệch, một bên tay sát thân, một bên xa thân. 

Bác sĩ chỉ cách dễ dàng phát hiện trẻ bị vẹo cột sống - 3

Bình thường cột sống của trẻ sẽ thẳng nhưng khi bị vẹo sẽ có hình chữ S (Ảnh: N.P).

Thứ 3 là nhìn phía sau lưng, bình thường cột sống trẻ thẳng nhưng nếu nhìn lưng chữ S thì có thể là dấu hiệu của vẹo cột sống. 

Thứ 4 là nghiệm pháp Adam, phương pháp này được áp dụng để sàng lọc trường hợp bị cong vẹo cột sống học đường. Cụ thể, trẻ đứng thẳng, cúi từ từ về phía trước, hai tay đặt đầu gối, cha mẹ quan sát con từ phía sau. Bình thường 2 vai sẽ cân xứng, nếu bị vẹo cột sống thì một bên vai sẽ nhô cao hơn, bên đối diện thấp xuống, xuất hiện ụ gồ vùng lưng. 

Bác sĩ chỉ cách dễ dàng phát hiện trẻ bị vẹo cột sống - 4

Khi quan sát từ phía sau lưng, cha mẹ có thể thấy một bên vai gồ lên cao hơn bên còn lại (Ảnh: N.P).

Khi thấy bất thường ở cột sống, cha mẹ cần đưa con đến cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác, cũng như có phương hướng điều trị phù hợp. 

PGS Sơn cho biết, không phải trường hợp nào bị cong vẹo cột sống cũng phải mổ. Trẻ có thể chỉ cần mặc áo nẹp chỉnh hình kết hợp tập luyện. 

"Tuy nhiên, không phải cứ mặc áo nẹp cả ngày là tốt, mặc áo cũng phải có chỉ định, mặc bao lâu vì cần phải có thời gian để trẻ tập luyện cho hệ cơ phát triển. Nếu mặc áo suốt 24/24h thì cơ sẽ bị teo, chức năng kém đi. Việc tập luyện cũng đóng vai trò rất quan trọng, nhất là với trẻ nhỏ. Các trường hợp bị vẹo cột sống chức năng khi tập sẽ giúp cân bằng cơ", PGS Sơn lưu ý. 

Trong 2 ngày 8-9/6, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) sẽ tổ chức chương trình khám sàng lọc miễn phí gù vẹo cột sống ở trẻ em trong 2 ngày 8-9/6. Chương trình được khoa Phẫu thuật Cột sống thực hiện hàng năm với mong muốn các em nhỏ gặp phải bệnh lý này được điều trị kịp thời bởi các chuyên gia đầu ngành trong nước.