Bác sĩ 115 cấp cứu bệnh nhân "chết lâm sàng": Phải tin vào 1% cơ hội sống

(Dân trí) - Trong những ca cấp cứu ngừng tuần hoàn, thời gian là yếu tố sống còn với bệnh nhân. Khi trái tim đã ngừng đập, mỗi phút trôi qua là cơ hội được cứu sống của bệnh nhân lại càng trở nên mong manh hơn.

Bác sĩ 115 cấp cứu bệnh nhân chết lâm sàng: Phải tin vào 1% cơ hội sống - 1

Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội tham gia vào nhiệm vụ đón công dân từ Ghi-nê Xích Đạo về nước

Đối với những trường hợp bị ngừng tuần hoàn trong cộng đồng, các y, bác sĩ 115 thường xuyên là lực lượng y tế đầu tiên tiếp cận và cấp cứu cho bệnh nhân. 

Gần 20 năm trong nghề, theo bác sĩ Trần Anh Thắng – Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, mỗi ca cấp cứu ngừng tuần hoàn thực sự là một cuộc chạy đua với tử thần, để giành giật sự sống cho bệnh nhân đã ở trên lằn ranh sinh tử. 

Thời gian vàng chỉ là...5 phút

- Phóng viên: Là lực lượng y tế đầu tiên tiếp cận và cấp cứu cho những trường hợp ngừng tuần hoàn trong cộng đồng, ông có nhận định thế nào về tình trạng nguy hiểm này ở Việt Nam những năm gần đây?

- BS Trần Anh Thắng: Vài năm trở lại đây, những ca cấp cứu ngừng tuần hoàn trong cộng đồng tương đối nhiều. Đáng chú ý, tỉ lệ người trẻ bị ngừng tuần hoàn có xu hướng tăng lên.

Bác sĩ 115 cấp cứu bệnh nhân chết lâm sàng: Phải tin vào 1% cơ hội sống - 2

Bác sĩ Trần Anh Thắng – Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội

Ngừng tuần hoàn ở người già chủ yếu xảy ra trên những trường hợp có bệnh lý nền về tim mạch, bị bệnh lý mạch vành hoặc hô hấp mạn tính.

Có một thực tế đáng báo động là nhiều người trẻ đang khỏe mạnh, không có dấu hiệu bệnh lý trước đó nhưng lại đột tử sau khi vận động, tập luyện hay thi đấu thể thao đang tăng.

Nhìn chung, những trường hợp tập gym,chạy marathon bán chuyên nghiệp hay chơi thể thao bị ngừng tuần hoàn mà chúng tôi đã gặp đều do không đánh giá được sức của mình, tập quá sức và khiến đáp ứng của tim bị quá tải.

- Đối với những bệnh nhân ngừng tuần hoàn, việc cấp cứu ngay tại hiện trường có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

- Khi bệnh nhân ngừng tuần hoàn là tim sẽ không còn cung cấp máu, cũng như oxy cho các cơ quan của cơ thể, đặc biệt là cơ quan quan trọng như não, phổi, mạch vành…

Do đó, bệnh nhân ngừng tuần hoàn phải được cấp cứu nhanh nhất có thể, để trước hết là tuần hoàn trở lại và thứ hai là giảm thiểu tối đa những biến chứng có thể xảy ra với bệnh nhân.

Bác sĩ 115 cấp cứu bệnh nhân chết lâm sàng: Phải tin vào 1% cơ hội sống - 3

Các y, bác sĩ của lực lượng 115 phải định kì tập huấn kỹ năng ép tim, bóp bóng để cấp cứu bệnh nhân ngừng tuần hoàn

Nếu cấp cứu ngoại viện không tốt, bệnh nhân chưa được khôi phục tái lập tuần hoàn tự nhiên, thì việc đưa đến bệnh viện gần như không còn ý nghĩa gì cả.

Cần nhấn mạnh rằng, “thời gian vàng” để cấp cứu ngừng tuần hoàn chỉ kéo dài 3-5 phút, kể từ khi bệnh nhân rơi vào tình trạng này.

- Chỉ kéo dài trong vòng vài phút, vậy làm thế nào để lực lượng cấp cứu 115 không bỏ lỡ “thời gian vàng” này, thưa ông?

- Chúng tôi luôn đặt mục tiêu với phương châm “tại chỗ, khẩn trương, kiên trì và đúng kỹ thuật”, bằng mọi cách phải cấp cứu nhanh nhất có thể cho bệnh nhân. Lực lượng cấp cứu 115 chỉ cần nghe cuộc gọi là sẵn sàng “lên đường” ngay lập tức. Không chỉ có những người tiếp cận bệnh nhân, ngay cả những nhân viên điều phối cấp cứu khi nhận cuộc gọi luôn sẵn sàng khai thác và hướng dẫn người nhà có thể thực hiện một số biện pháp sơ cứu khi chờ xe cấp cứu đến.

Bác sĩ 115 cấp cứu bệnh nhân chết lâm sàng: Phải tin vào 1% cơ hội sống - 4

Lực lượng cấp cứu 115 chỉ cần nghe cuộc gọi là sẵn sàng “lên đường” ngay lập tức

Khi tiếp cận được bệnh nhân, bác sĩ phải có khả năng đánh giá tình hình rất nhanh xem bệnh nhân có ngừng tuần hoàn hay không. Thường chỉ trong vòng 5-10 giây, để quyết định phương án xử trí ngay lập tức.

Đây là những phản xạ mà chúng tôi được tôi rèn qua thời gian. Đôi khi chỉ cần đặt tay lên cổ bệnh nhân, “cấu véo” thấy bệnh nhân không có phản ứng là hành động ngay.

Khi mái nhà, lan can cầu trở thành "phòng cấp cứu"

- Theo ông, cấp cứu ngừng tuần hoàn ngay tại hiện trường đặt ra cho nhân viên y tế những thách thức đặc biệt nào, so với cấp cứu ngừng tuần hoàn ở trong bệnh viện?

- Ép tim là thao tác quan trọng nhất trong cấp cứu ngừng tuần hoàn. Nhân viên y tế phải dùng tay thực hiện ép tim 100-120 lần/phút và ép liên tục trong thời gian có khi lên đến 1 tiếng đồng hồ, nên bên cạnh kỹ thuật còn đòi hỏi rất nhiều về mặt thể lực.

Bác sĩ 115 cấp cứu bệnh nhân chết lâm sàng: Phải tin vào 1% cơ hội sống - 5

Trong những vụ tai nạn giao thông, lực lượng 115 phải thực hiện cấp cứu ngay trên mặt đường và hầu như đều trong đêm tối

Ở bệnh viện, nhân viên y tế có thể đứng ở tư thế chuẩn để ép tim nên sẽ thuận tiện và đỡ mỏi hơn rất nhiều so với lực lượng 115, vốn thường xuyên phải thực hiện ép tim ở tư thế quỳ dưới đất hay vừa đẩy cáng vừa ép tim. Ở trong bệnh viện có nhiều nhân viên y tế tham gia cấp cứu hơn còn đối với lực lượng 115 chỉ có 2 người, gần đây có thể có thêm sự hỗ trợ của nhân viên lái xe.

Ngoài ra, vì phải ép tim ngay tại hiện trường nên còn phải đối mặt với những khó khăn mà điều kiện ngoại cảnh gây ra.

Trong những vụ tai nạn giao thông, chúng tôi phải thực hiện ép tim ngay trên mặt đường và hầu như đều trong đêm tối, bởi đây là thời điểm thường xảy ra tai nạn nhất.

Đặc biệt hơn, có trường hợp chúng tôi phải cấp cứu ngừng tuần hoàn ngay trên mái nhà, trên lan can cầu và thường xuyên trên xe cấp cứu đang chạy với tốc độ rất nhanh. Tất cả những trường hợp này đều đòi hỏi kỹ năng và kinh nghiệm của nhân viên y tế.

Không thể không kể đến một thử thách rất riêng mà lực lượng 115 phải đối mặt khi cấp cứu ngoại viện, chính là những người đang vây quanh, bên cạnh bệnh nhân.

Khi cấp cứu bệnh nhân trong nhà, các thành viên trong gia đình đương nhiên rất sốt ruột, tâm lý của họ lúc đó là bệnh nhân phải được sống. Cũng vì tâm lý này mà có không ít trường hợp nhân viên y tế bị gây áp lực, thậm chí là đe dọa từ chính người nhà.

Trong trường hợp cấp cứu cho bệnh nhân ở ngoài đường, sức ép lại đến từ những người dân hiếu kỳ. Nhiều khi nhân viên y tế đang thao tác, thì đám đông cứ dục đưa bệnh nhân đi viện, rồi phải thế này, phải thế kia.

Chính vì vậy, anh em chúng tôi phải có thần kinh thép, để tập trung tối đa vào nhiệm vụ cấp cứu mà mình đang thực hiện.

"Chúng tôi luôn phải tin bệnh nhân sẽ sống"

- Ngoài những kỹ năng nghề nghiệp vừa đề cập, liệu còn yếu tố đặc biệt nào khác cũng đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của một ca cấp cứu ngừng tuần hoàn không, thưa ông?

- Tỷ lệ cấp cứu ngừng tuần hoàn thành công trước viện ở một số nước tiên tiến trên thế giới ở mức dưới 10%. Tuy nhiên, ở trong mọi trường hợp, lực lượng 115 chúng tôi luôn phải có niềm tin rằng “bệnh nhân sẽ sống” và chỉ ngừng khi đã làm hết sức có thể.

Bác sĩ 115 cấp cứu bệnh nhân chết lâm sàng: Phải tin vào 1% cơ hội sống - 6

“Tại chỗ, khẩn trương, kiên trì và đúng kỹ thuật” là phương châm của lực lượng 115 (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Về mặt lý thuyết, nếu cấp cứu ngừng tim sau 30 phút không có hiệu quả thì nhân viên y tế có thể dừng tại. Tuy nhiên, trong thực tế, có rất nhiều bệnh nhân chúng tôi vẫn kiên trì ép tim lâu hơn, có khi lên đến gần 1 tiếng đồng hồ và đã tỉnh lại.

- Trong những năm theo nghề, đâu là ca cấp cứu thành công nhờ vào niềm tin đặc biệt này, để lại nhiều ấn tượng nhất với ông?

- Cách đây 7 năm, tôi từng cấp cứu cho 1 người phụ nữ khoảng 48 tuổi, ở đường Hồng Hà, Hà Nội. Bệnh nhân này khi đang nói chuyện với chồng thì bất ngờ ngã quỵ xuống đất, dù trước đó không có vấn đề sức khỏe nào.

Sau 30 phút thực hiện cấp cứu, bệnh nhân vẫn không có bất cứ dấu hiệu nào. Lúc mọi người trong nhà đều nghĩ bà không qua khỏi, tôi vẫn quyết định bằng mọi giá tiếp tục cấp cứu và sử dụng những trang thiết bị y tế, thuốc sẵn có, đồng thời thực hiện ép tim ngay trên xe cấp cứu trên đường đưa bệnh nhân vào viện. Tôi chỉ có một suy nghĩ rằng “cứ cố đi rồi bệnh nhân sẽ sống”.

Điều may mắn xảy đến với bệnh nhân khi xe vừa đi gần đến bệnh viện, bệnh nhân tái lập tuần hoàn tự nhiên trở lại. Theo phản xạ, người này cầm ống nội khí quản mà tôi đặt, giật mạnh ra.

Lúc đó, tôi như vỡ òa, y tá đi cùng thậm chí mừng đến mức nhảy cẫng lên va đầu vào thùng xe.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Nhật