Ba ý kiến GS Nguyễn Anh Trí đóng góp để chấn hưng ngành Y

Bảo Khánh

(Dân trí) - Y tế cả nước đang chao đảo. Những "chiến binh áo trắng kiên cường" trong chống dịch Covid-19, trong hoạt động bảo vệ sức khỏe nhân dân nay đang bải hoải, "buông tay" đứng nhìn…

Trong phiên họp thảo luận sáng 13/6 về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Anh Trí đã có bài phát biểu. Được sự đồng ý của Giáo sư, Dân trí đăng tải toàn bộ nội dung tham luận này.

Ba ý kiến GS Nguyễn Anh Trí đóng góp để chấn hưng ngành Y - 1

GS Nguyễn Anh Trí là đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội. Ảnh: quochoi.vn

Kính thưa: Chủ tọa phiên họp; Kính thưa Quốc hội!

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, 08h00 sáng 13/6, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Tôi có may mắn đã được tham gia rất nhiều cuộc thảo luận để góp ý cho Luật khám chữa bệnh (KCB) sửa đổi và đã phát biểu rất nhiều ý kiến cụ thể với ban soạn thảo. Nên hôm nay xin phép Quốc hội được phát biểu 3 ý kiến chung hơn sau đây.

Ý kiến thứ nhất: Xin đánh giá cao Ban soạn thảo đã tiếp thu hầu hết các ý kiến góp ý để sửa chữa, bổ sung những vấn đề mà trong hoạt động của y tế vừa qua bị vướng do luật KCB bị thiếu, không cập nhật. Và xin đề nghị bổ sung thêm:

Ở điều 18. Chức danh nghề nghiệp: Cần bổ sung thêm đối tượng là Y sỹ Y học cổ truyền (lưu ý đối tượng này là rất nhiều và không phải tất cả đều là Lương y);

Ở điều 42. Hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Ban soạn thảo cần bổ sung thêm hình thức là các loại hình Trung tâm y tế/ sức khỏe/ chẩn đoán...

Ý kiến thứ 2: Khiếm khuyết lớn nhất của Luật Khám chữa bệnh (KCB) sửa đổi mà Ban soạn thảo đệ trình lần này đó là phần quy định về Khám chữa bệnh từ xa đã không được soạn thảo đầy đủ.

Chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng 4.0, công cuộc chuyển đổi số đang triển khai mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực - bao gồm cả y tế. Ngay y tế Việt Nam hiện nay thì ứng dụng KCB từ xa đang được áp dụng khá thành công trong việc tư vấn, hội chẩn, đào tạo…

Thế nhưng trong Luật KCB sửa đổi lần này chỉ duy nhất ở điều 55: "Khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa" rất ít ỏi, nửa vời và qua loa. Chúng tôi đã góp ý nhiều lần: Việc quy định như vậy là không đủ, là thiếu tầm nhìn. Và nếu Luật KCB sửa đổi lần này được thông qua thì sẽ có 3 khả năng bất lợi xảy ra:

  1. Hoạt động KCB từ xa không phát triển được ở Việt Nam, người dân - nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa sẽ không có cơ hội được khám chữa bệnh với những người thầy thuốc giỏi, sẽ không tiếp cận được những dịch vụ y tế hiện đại; hiện tượng sắp hàng chờ đợi, quá tải ở các bệnh viện lớn vẫn khó giảm bớt. Khám chữa bệnh Việt Nam khó hội nhập được với quốc tế. Y tế VN bị đẩy lùi hàng chục năm.
  2. Hoặc ai làm, dám làm để giúp cho bệnh nhân thì thiếu đi hành lang pháp lý nên rất dễ bị quy là làm sai, là vi phạm…
  3. Do thiếu hành lang pháp lý đầy đủ và chặt chẽ thì đó là cơ hội để những việc làm xấu xuất hiện, để lòng tham nảy nở, để trục lợi bảo hiểm xảy ra, để hiện tượng móc túi người bệnh hoành hành.

Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo tập trung soạn thảo một cách đầy đủ, chặt chẽ và khả thi phần Khám chữa bệnh từ xa này. Cần phải mở hẳn 1 chương để triển khai và bổ sung thêm các nội dung đã đề cập ở Đ. 55. 

Ý kiến thứ 3: Kính thưa Quốc hội! Đã tròn 40 năm làm nghề y, chưa bao giờ tôi thấy luật pháp về y tế lại bị khủng hoảng, thiếu hụt và không cập nhật như bây giờ.

Lý do là vì: Yêu cầu KCB của xã hội tăng cao, Y học phát triển quá nhanh, áp lực KCB thì vẫn luôn là "cứu bệnh như cứu hỏa"; đặc biệt hơn 2 năm qua đại dịch Covid-19 đã càn quét làm sức khỏe nhân dân bị tổn thương nặng nề; rồi yêu cầu "chống dịch như chống giặc" đã bộc lộ thêm tính bất cập của hệ thống luật pháp y tế hiện hành.

Cán bộ y tế đã và đang gồng mình chống dịch; họ đã làm ngày làm đêm bất chấp nguy hiểm, khó khăn mặc dù thù lao đêm trực chống dịch của Cán bộ y tế cơ sở chỉ 18.600 đồng/đêm. (Xin được nhắc lại để Quốc hội rõ: Qua đi giám sát với Ủy ban Xã hội chúng tôi được biết tại tỉnh Quảng Ninh một đêm trực trong thời kỳ dịch giã của cán bộ y tế cơ sở chỉ được thù lao 18.600đ).

Ba ý kiến GS Nguyễn Anh Trí đóng góp để chấn hưng ngành Y - 2

Một nhân viên y tế ở Bắc Ninh kiệt sức trong đại dịch Covid-19, tháng 5/2021. Ảnh: Đỗ Đoàn.

Những quy định của luật pháp không còn phù hợp để chống dịch đã "bó tay" ngành y, đã không thỏa đáng với những gì cán bộ y tế đang đóng góp. Hàng ngàn cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở đã xin thôi việc cũng có nguyên nhân từ đó.

Và cũng do luật bị thiếu, bị sơ hở, còn lỏng lẻo nên lòng tham của một số ít người là cán bộ y tế có cơ hội vượng lên, họ trục lợi, họ xà xẻo, họ chấm mút, họ chia chác. Cơn bão Việt Á đã nổi, người xấu đã và đang bị lôi ra ánh sáng và bị xử lý.

Y tế cả nước đang chao đảo. Những "chiến binh áo trắng kiên cường" trong chống dịch Covid, trong hoạt động bảo vệ sức khỏe nhân dân nay đang bải hoải, "buông tay" đứng nhìn…

Họ nhìn thấy, hoạt động mua sắm thuốc men, vật tư, sinh phẩm, …đang bị đứt gãy nghiêm trọng: vì các nhà thầu rất dè dặt cung cấp, vì các Cty tư vấn thẩm định hoặc tan vỡ hoặc tạm nghỉ; và vì việc phê duyệt của các cơ quan quản lý như Sở y tế, Bộ y tế đang bị đình đốn vì họ còn bận phải làm những việc quan trọng hơn, sinh tử với chính họ hơn như giải trình phục vụ cho công tác thanh tra, điều tra…

Và thế là hoạt động khám chữa bệnh đang bị ảnh hưởng rất lớn. Thiệt thòi lớn nhất đã xảy ra cho chính bệnh nhân, cho chính người dân! Cán bộ y tế chúng tôi đang nhìn thấy và rất đau lòng về điều đó! Cán bộ y tế muốn làm nhưng vì thiếu một hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp nên không thể làm được.

Và tôi tin, Quốc hội cũng đã thấy điều đó, nhân dân thấy rõ điều đó, và báo chí đã và đang lên tiếng rất nhiều về điều đó.

Bởi vậy, nhân diễn đàn này, tôi xin kêu gọi Quốc hội, Chính phủ tập trung mọi sức lực giải quyết những vấn đề rất cấp bách của y tế như về nhân sự, về nhân lực y tế; về cơ chế bảo vệ, đảm bảo quyền lợi hợp lý cho cán bộ y tế, về các biện pháp ngăn chặn tiêu cực trong ngành y và đặc biệt hơn cả là hoàn thiện hơn thể chế, đồng bộ những vấn đề pháp lý cho ngành y tế. Cụ thể:

  1. Trước mắt: Cần triển khai cho được những nội dung trong các Nghị quyết 30, nghị quyết 43 của Quốc hội, nghị quyết 21 của UBTVQH để mua sắm, để chống dịch, để KCB, và cũng cả để soi xét những vấn đề sai phạm cho thấu lý đạt tình;
  2. Đồng thời phải ưu tiên sửa đổi các văn bản pháp lý - bao gồm cả Luật như Luật KCB, Luật bảo hiểm y tế, Luật phòng chống dịch, và cả những Luật khác có liên quan như Luật về giá, luật đấu thầu mua sắm, luật tài sản công…; kể cả những nghị định, thông tư có liên quan, đặc biệt là những vấn đề như Xã hội hóa, Tự chủ bệnh viện…

Cuối cùng cho tôi xin nói, hiện tại ngành y Việt Nam cần lắm sự thấu hiểu, sự chia sẻ, sự động viên, sự tin yêu từ chính nhân dân trong toàn xã hội, từ Chính phủ, từ Trung ương. Vâng, hơn bao giờ hết, lúc này đây toàn ngành y tế Việt Nam đang cần những "phương thuốc" đó!

Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội!

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí

(tiêu đề do tòa soạn đặt)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm