1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ba phút chạy đua với thời gian, cứu bệnh nhân sốc phản vệ

Tiến Thành

(Dân trí) - Phát hiện bệnh nhân bị sốc phản vệ, nữ điều dưỡng đã ấn chuông khẩn cấp, xử lý tình huống một cách chuyên nghiệp. Khoảng 3 phút sau khi được cấp cứu, bệnh nhân có mạch, nhịp tim trở lại.

Mới đây, trên mạng xã hội Facebook lan truyền đoạn clip các y bác sĩ cấp cứu bệnh nhân bị sốc phản vệ, thu hút sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng. Đoạn clip dài gần 3 phút, ghi lại cảnh nữ điều dưỡng cùng đội ngũ y tế chạy đua với thời gian, cấp cứu bệnh nhân.

Ba phút chạy đua với thời gian, cứu bệnh nhân sốc phản vệ - 1

Đội ngũ y tế chạy đua với thời gian cấp cứu bệnh nhân sốc phản vệ (Ảnh cắt từ clip).

Trong đoạn clip, một nữ bệnh nhân đang được truyền hóa chất thì xuất hiện các triệu chứng bất thường. Thời điểm này, nữ điều dưỡng đang theo dõi, nhanh chóng nhận ra bệnh nhân bị sốc phản vệ nên triển khai các biện pháp khẩn cấp như: tiêm, ép tim... đồng thời kích hoạt hệ thống báo động đỏ.

Ngay sau đó, các bác sĩ, điều dưỡng khác nhanh chóng có mặt, kiểm soát tình hình và cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Đoạn clip xử lý tình huống khẩn cấp của nữ điều dưỡng cùng đội ngũ y tế sau khi lan truyền trên mạng xã hội đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi.

Ba phút chạy đua với thời gian, cứu bệnh nhân sốc phản vệ (Clip: Bệnh viện cung cấp).

Rất nhiều người nể phục trước sự bình tĩnh, chuyên môn tốt của nữ điều dưỡng trong đoạn clip cũng như tác phong nhanh nhẹn và đầy trách nhiệm của đội ngũ y tế. 

"Quá tuyệt vời, người bệnh thật may mắn khi gặp đúng nữ điều dưỡng có nghiệp vụ chuyên môn cao, nhanh trí, xử lý tình huống một cách bình tĩnh và chuyên nghiệp", một người nêu quan điểm.

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, tình huống cấp cứu bệnh nhân sốc phản vệ kể trên diễn ra tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Người thực hiện các biện pháp cấp cứu khẩn cấp ở đoạn đầu clip là nữ điều dưỡng Trần Thị Bích Liên (SN 1986).

Ba phút chạy đua với thời gian, cứu bệnh nhân sốc phản vệ - 2

Nữ điều dưỡng Trần Thị Bích Liên (Ảnh: Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới).

Bác sĩ Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, xác nhận bệnh nhân bị sốc phản vệ là Nguyễn T.T. (SN 1961, trú huyện Bố Trạch), được chẩn đoán ung thư cổ tử cung, teo và hẹp niệu quản. Tại bệnh viện, bệnh nhân được thăm khám, có chỉ định hóa trị liệu.

Tuy nhiên, trong quá trình chuyền hóa chất với máy truyền dịch hỗ trợ, bệnh nhân đột ngột ngừng tim, ngừng thở. Điều dưỡng Trần Thị Bích Liên nhanh chóng ngừng đường truyền, tiêm bắp một ống Adrenalin 1mg vào mặt trước giữa đùi, kích hoạt hệ thống báo động đỏ và tiến hành ép tim cho bệnh nhân ngay lập tức.

Sau khi nhận được tín hiệu báo động đỏ, phần lớn nhân viên bác sĩ, điều dưỡng Khoa Ung bướu đã nhanh chóng có mặt, phối hợp cấp cứu, cho bệnh nhân thở oxy, đặt thêm đường truyền tĩnh mạch, tiêm thuốc theo y lệnh bác sĩ.

Sau khoảng 3 phút chạy đua với thời gian, bệnh nhân đã có mạch và nhịp tim trở lại. Bác sĩ ngừng y lệnh hóa trị liệu và chuyển bệnh nhân qua phòng cấp cứu theo dõi sát tri giác và dấu hiệu sinh tồn. Sức khỏe bệnh nhân sau đó cũng dần ổn định.

Phía Khoa Ung bướu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới đã tuyên dương điều dưỡng Trần Thị Bích Liên và tập thể đã khẩn trương cấp cứu sốc phản vệ, kịp thời cứu sống bệnh nhân.

Ba phút chạy đua với thời gian, cứu bệnh nhân sốc phản vệ - 3

Các điều dưỡng luôn theo sát quá trình điều trị đối với bệnh nhân (Ảnh: Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới).

Theo Bác sĩ Bùi Vĩ Nhân, Trưởng Khoa Ung bướu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, hóa trị liệu là biện pháp sử dụng các loại hóa chất gây độc tế bào, điều trị các bệnh lý ung thư. Tuy nhiên, hóa trị lại có nguy cơ cao gây ra các phản ứng phản vệ. Vì vậy, việc nhanh chóng nhận định các biểu hiện phản vệ khi sử dụng thuốc cho người bệnh rất quan trọng.

Hàng năm, Khoa Ung bướu luôn chú trọng cập nhật kiến thức, tập huấn lại quy trình và các kỹ năng lâm sàng cho bác sĩ, điều dưỡng về xử trí phản vệ nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác điều trị, chăm sóc người bệnh.