Ăn vẹm, ngao, nghêu: coi chừng … ngộ độc

(Dân trí) - Kết quả khảo sát của Viện Tài nguyên và môi trường biển cho thấy, các loài vẹm xanh, ngao, nghêu đều tích luỹ cả 3 loại độc tố tảo ASP, PSP và DSP trong mô nội tạng…

Theo tiến sĩ Chu Văn Thuộc (tiến sĩ Chu Văn Thuộc và 50 cộng sự là người thực hiện việc điều tra, nghiên cứu tảo độc, tảo gây hại ở một số vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung ven biển), bước đầu các nhà khoa học đã xác định được 61 loài và nhóm thuộc 25 chi nằm trong bốn lớp tảo, trong đó thành phần loài đa dạng nhất thuộc về lớp tảo giáp (chiếm 77% tổng số loài), tiếp theo là lớp tảo silic (chiếm 13,1%), lớp tảo lam (6,6%), và ít nhất là lớp tảo kim (chiếm 3,3%).

Hầu hết các loại tảo độc hại đã phát hiện được ở các vùng nghiên cứu đều thuộc nhóm tảo sống phù du, một số loài sống bám đáy. Theo kết quả nghiên cứu, phân bố số loài tảo độc hại ở các vùng nghiên cứu là Đồ Sơn - Cát Bà (Hải Phòng), đầm Nha Phu, Đầm Lăng, khu vực Tiền Hải, khu vực Bình Đại và Cần Giờ…

Cũng theo kết quả nghiên cứu này, đối với loài preudo – nitzschia chưa phát hiện được độc tố trong tế bào của các loài này. Trong khi đó, loài P.pungens có cả chủng độc và không độc phân bố ở khu vực phía Bắc nhưng hàm lượng của độc tố này rất thấp, dao động từ 0,38 – 0,53pg/tế bào. Riêng với chủng alexandium được phân lập từ đầm nuôi tôm Đồ Sơn (Hải Phòng) lại có khả năng sinh sản độc tố, với hàm lượng dao động từ 3,0 – 13,8 fmol PST/tế bào. Các nghiên cứu cũng cho thấy, có mối quan hệ giữa sự phát triển mật độ của một số loài tảo độc hại với các yếu tố môi trường (cường độ ánh sáng, độ mặn, các muối dinh dưỡng).

Cũng theo tiến sĩ Chu Văn Thuộc, trong các thuỷ vực tự nhiên thì sự nở hoa của tảo độc, tảo gây hại ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng môi trường thuỷ vực như làm giảm nồng độ ôxy hoà tan, tăng hàm lượng ammoniac, cạnh tranh dinh dưỡng với các loài khác nhau trong thuỷ vực hay làm ô nhiễm chất hữu cơ mạnh… từ đó gây hại cho các thuỷ sinh vật. Tuy nhiên, sự tác động của tảo độc hại đến sức khoẻ con người cũng như một số động vật khác như chim, thú … chủ yếu bằng cách gián tiếp, thông qua các loại hải sản biển như cá, cua, ngao vẹm… đã nhiễm độc tố tảo.

Để đảm bảo sức khoẻ con người khi sử dụng thực phẩm là các loại hải sản, theo tiến sĩ Chu Văn Thuộc, cần phải tiến hành một số biện pháp quản lý tảo độc hại trong các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung ven biển như xây dựng chương trình quan trắc quốc gia về tảo độc hại; giảm thiểu các chất dinh dưỡng trong thuỷ vực, đồng thời nâng cao việc dự báo và cảnh báo…

Trần Hưng