Ăn uống đúng mức, góp sức chữa bệnh

(Dân trí) - Điều trị mọi căn bệnh đều cần chế độ “kiềng ba chân”: ăn uống, vận động và thuốc men. Chúng ta quen châm ngôn “Đói ăn rau, đau uống thuốc”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhiều công trình khoa học lại chứng minh rằng chế độ ăn còn quan trọng không kém thuốc men. Tại sao?

Chúng ta quen châm ngôn “Đói ăn rau, đau uống thuốc”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhiều công trình khoa học lại chứng minh rằng chế độ ăn còn quan trọng không kém thuốc men. Tại sao ?

Ăn uống đúng mức, góp sức chữa bệnh - 1

Thức ăn có ba chức năng

Muốn sống, mọi sinh vật đều phải được cung cấp chất dinh dưỡng, chủ yếu lấy từ thức ăn. Thức ăn có ba chức năng chính trong cơ thể: (1) Cung cấp năng lượng, (2) Tăng trưởng và phát triển, và (3) Sửa chữa và bảo trì các tế bào của cơ thể.

Vào cơ thể, cả ba thành phần đường bột, chất béo và đạm đều có thể thoái hóa để cung cấp năng lượng cần thiết cho mọi tế bào, cơ quan, hệ thống trong cơ thể hoạt động, để thực hiện nhiều nhiệm vụ cần thiết như tim đập, thở, đi lại, nói, suy nghĩ…và cả khi ngủ. Thức ăn là nguồn nhiên liệu cho cơ thể, như chiếc xe cần xăng dầu. Thiếu ăn, không có năng lượng con người sẽ không thể hoạt động. Ngược lại, khi ăn quá nhiều, đặc biệt ăn chất béo và chất bột đường, năng lượng sẽ thừa thải và được cơ thể lưu trữ lại khiến con người bị thừa cân, béo phì….

Để phát triển, tế bào phải phân chia, nhân lên, tăng số lượng và khối lượng. Nguyên vật liệu cần thiết chính là ba nhóm chất cơ bản trong thức ăn: đạm protein, chất béo và bột đường carbs. Thiếu ăn, bệnh thiếu protein calo PEM, suy dinh dưỡng, ăn kiêng sự tăng trưởng chậm hoặc ngừng lại.

Ngoài giúp tăng trưởng, thực phẩm cũng là nguồn cung cấp các vật liệu cần thiết để duy tu, sửa chữa các hao mòn, hư hỏng của các mô cơ thể ở mọi lứa tuổi trong suốt cuộc đời. Chất dinh dưỡng còn giúp cơ thể khỏe mạnh, hệ miễn dịch sinh tổng hợp ra các kháng thể chống nhiễm độc, nhiễm trùng.

Dinh dưỡng hợp lý: đủ chất và đủ lượng

* Chất lượng: đủ 4 thành phần

Thực phẩm con người sử dụng rất đa dạng và nhiều chủng loại. Các nhà dinh dưỡng học đã hệ thống lại và xếp thực phẩm thành bốn nhóm trong một hình biểu trưng gọi là “ô vuông” thức ăn gồm 4 nhóm sau: (1) chất đường nói chung, (2) chất đạm, thịt, (3) chất béo và (4) muối khoáng, vitamin với trung tâm ô vuông là sữa, thức ăn tối ưu và thích hợp nhất.

Ăn uống đúng mức, góp sức chữa bệnh - 2
Ô vuông thức ăn TBT

* Khối lượng: đạt chỉ tiêu cần thiết

Về số lượng, 4 thành phần trong ô vuông thức ăn có tỷ lệ phân bố cân đối, thích hợp: 10% chất đạm tương đương 1-2 gam/ 1 kg thể trọng, 30% chất béo tương đương 4-6 gam/ 1 kg thể trọng, 60% chất bột đường tương đương 9-12 gam/ 1 kg thể trọng, và một số vi lượng muối khoáng, vitamin.

Để dễ nhớ, các nhà dinh dưỡng ví von: “ Khẩu phần hợp lý như một cái áo hoàn chỉnh cần có các thành phần cơ bản: vạt trước, vạt sau, cổ áo, tay áo, túi áo...thừa không được mà thiếu cũng không xong”. Và khuyên rằng: Trong thiên nhiên, không có một thực phẩm nào là hoàn hảo cả, cho nên muốn có khẩu phần đầy đủ cần phải ăn đa dạng, nhiều loại thức ăn.

Vài chế độ dinh dưỡng đặc thù

* Sữa sơ sinh và nhũ nhi

WHO, UNICEF, và rất nhiều cơ quan y tế thế giới đều xác định sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và nhũ nhi. Do đó, cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và nế có thể nên tiếp tục bú mẹ cho đến khi trẻ được 24 tháng tuổi.Trong một số trường hợp, mẹ không đủ sữa như bị bệnh, sinh đôi, cần cho dặm thêm…thì buộc phải sử dụng song song thêm sữa công thức.

Nói chung, các loại sữa công thức đều được nghiên cứu và sản xuất tương đương thành phần hóa học để có tác dụng thay thế một phần hoặc hoàn toàn cho sữa mẹ. Ví dụ sữa bò được tách kem để hàm lượng chất béo ngang với sữa người, sữa đậu nành có thêm vitamin, khoáng chất…

* Tim mạch, tăng huyết áp

Bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Tăng huyết áp, bệnh tim mạch chính, liên hệ mật thiết chế độ ăn nhiều chất béo, muối và ít hoạt động thể chất.

Do đó, chế độ ăn cho người có bệnh tim mạch là giảm muối và chất béo, tăng rau quả, chất xơ so với người bình thường.

* Béo phì

Thừa cân, béo phì là hậu quả của sự mất cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao. Calo năng lượng dư thừa từ ăn quá nhiều đường ngọt, tinh bột, chất béo kết hợp với ít hoạt động thể chất sẽ được tích lũy lại dưới dạng mỡ xấu trong cơ thể và gây ra những hệ lụy kèm theo.

Nói chung, người béo phì cần giảm ăn và tăng vận động.

* Đái tháo đường

Đái tháo đường là hậu quả của thừa cân và béo phì và ít hoạt động thể chất. Do đó, người bệnh cần theo chế độ ăn không đường ngọt, giảm béo còn phải tăng cường vận động thể lực.

* Bệnh gout (gút)

Bệnh gout, thống phong, là một rối loạn chuyển hóa axit nhân (AND, ARN) khiến axit uric, sản phẩm thoái hóa của base N purine, tăng cao trong máu và lắng đọng trong các khớp xương gây tổn thương viêm đau.

Người bệnh cần hạn chế ăn những thực phẩm giàu base N purine, sẽ chuyển thành axit uric, như hải sản, nội tạng động vật, thịt đỏ, trứng đã thành phôi, các loại nấm…

* Suy gan

Các enzymes ở gan và muối mật đóng vai trò quan trọng trong tiêu hóa chất béo (dầu mỡ). Người có bệnh gan mật cấp hay mãn tính, “yếu gan”, đều cần phải theo chế độ ăn giảm chất béo.

Gan cũng là cơ quan thải độc chính của cơ thể, nên người suy gan cũng cần phải giảm hoặc ngưng các thức ăn uống có hại cho gan như rượu bia, những thức ăn nhiều phụ gia thực phẩm, thuốc điều trị bệnh….

* Suy thận

Suy thận, chức năng thải độc, cân bằng điện giải rối loạn, ứ nước và tăng huyết áp. Do đó, người suy thận cần phải theo chế độ ăn: giảm thực phẩm giàu chất đạm (protein), để giảm chất độc urê phó sản sinh ra trong quá trình thoái hóa; giảm sử dụng muối, ăn từ 2-4g mỗi ngày, để giảm sự ứ nước tăng dịch nội và ngoại bào; giảm thực phẩm giàu kali và phospho; giảm uống, ăn những thực phẩm chứa nhiều nước...

* Loãng xương

Loãng và gãy xương là vấn đề lớn của người già. Chế độ ăn của người cao tuổi, đặc biệt ở nữ giới, cần được cung cấp đủ canxi và vitamin D. Người cao tuổi cũng cần tắm nắng và hoạt động thể chất để tăng cường xương và cơ bắp.

* Ung thư

Người bệnh ung thư cũng phải ăn uống đầy đủ như người thường. Cần hạn chế bia rượu là một nguy cơ gây ung thư miệng, cổ họng, thực quản, gan. Đảm bảo ăn đủ trái cây và rau quả để tăng cường các chất chống oxy hóa giảm nguy cơ các bệnh ung thư nói chung.

Đôi điều bàn luận

Dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong điều trị và hồi phục bệnh. Nhiều nghiên cứu chỉ rõ, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý qua ăn uống giúp rút ngắn ngày nằm viện và giảm tỷ lệ tái nhập viện, và giảm chi phí điều trị. Theo PGS-TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa ICU, Bệnh viện Bạch Mai cho biết “Nhờ các bác sĩ dinh dưỡng thường xuyên theo dõi diễn biến bệnh và đưa ra thực đơn hợp lý, tỷ lệ viêm loét da, cơ do nằm lâu từ 60-70% đến không không còn, tỷ lệ tử vong của viêm tụy cấp từ 50% xuống 10 - 12%.

Theo GS.TS. Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, từ năm 2013, Việt Nam đã mở ngành đào tạo Cử nhân dinh dưỡng ở ĐH Y Dược Hà Nội với tham gia giảng dạy và hướng dẫn thực hành của các chuyên gia Nhật Bản.

Hai tồn tại cần được giải quyết:

* Tuy nhận thức được vai trò dinh dưỡng trong điều trị, nhưng hiện nay nhiều bệnh viện chưa có khoa dinh dưỡng lâm sàng. PGS-TS Nguyễn Gia Bình, nhận xét: “Chúng ta đã có chú trọng giảm suy dinh dưỡng trong cộng đồng nhưng lại chưa chú trọng đến dinh dưỡng cho người bệnh. Khoảng 70% bệnh viện chưa có khoa dinh dưỡng hoặc có khoa dinh dưỡng nhưng không có nhân lực chuyên môn. Thậm chí, một số khoa có 60 - 65% bệnh nhân bị suy dinh dưỡng”.

* Nhiều phương pháp, chế độ dinh dưỡng, thực phẩm chức năng không chính thống vẫn được lưu truyền, giới thiệu cho bệnh nhân: (1) “Chế độ ăn low-carb (ít bột) giúp giảm cân, hạ cholesterol và tryglycerides máu, giảm huyết áp, ngừa đái tháo đường”; (2) “Chế độ thanh lọc cơ thể” để giảm độc, giảm cân; (3) “Nhịn ăn để chữa ung thư”, với lý luận rằng nhịn ăn sẽ “bỏ đói” các tế bào u bướu làm chúng chết và con người sẽ hết bệnh; (4) “Chế độ ăn ketogenic chữa ung thư”.v.v…

Thay lời kết

Mọi sinh vật, đơn bào, đa bào, thực vật, động vật, muốn sống đều phải ăn. Con người cũng vậy, lành hay bệnh, còn sống là còn phải được cung cấp chất dinh dưỡng; nghĩa là đều phải được nuôi ăn. Trong thực tế lâm sàng, mỗi căn bệnh đều có một chế độ ăn khác nhau, thích hợp với bệnh lý, nhưng không có căn bệnh nào buộc bệnh nhân phải nhịn ăn.

Các chuyên gia điều trị đều thống nhất, dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý qua ăn uống sẽ giảm chi phí điều trị, rút ngắn ngày nằm viện và giảm tỷ lệ tái phát. Cần nhớ lời khuyên của Hippocrate, ông Tổ Tây y, cách đây đã 2.400 năm: "Hãy biến thức ăn thành thuốc của mình”. 

Ăn uống đúng mức, góp sức chữa bệnh - 3

Hai điều lưu ý, một là thức ăn, kể cả thực phẩm chức năng, là cần thiết góp phần, trợ giúp điều trị chứ không phải là thuốc điều trị; và hai là ăn uống cần phù hợp với tình trạng, bệnh lý của cơ thể chứ không ăn uống theo cảm tính, sở thích cá nhân.

TS.BS Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm