An toàn thực phẩm gây bức xúc cho toàn xã hội

(Dân trí) - “5 vấn đề bức xúc nhất trong lĩnh vực an toàn thực phẩm năm qua là: chất lượng bếp ăn tập thể; thực phẩm nhập lậu qua biên giới; việc buôn bán thực phẩm trên thị trường, đặc biệt là 10 nhóm thực phẩm nguy cơ cao còn bị thả nổi; việc nuôi trồng rau quả, gia cầm, thuỷ sản chưa được kiểm soát”, PGS.TS Trần Đáng, Cục trưởng Cục ATVSTP, Bộ Y tế cho biết.

Chế biến thực phẩm - 100% không đạt yêu cầu về VSTP?

 

Theo thống kê của Cục ATVSTP, từ năm 2000 đến 2006, đã có 174 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) tại bếp ăn tập thể với 14.653 người mắc, 97 vụ NĐTP tại các khu công nghiệp, khu chế xuất với 9.989 người mắc, 58 vụ NĐTP trong các trường học với 3.790 cháu mắc và 2 cháu tử vong, 161 vụ NĐTP do thức ăn đường phố với 3.759 người mắc và 7 người chết. Riêng thành phố Hồ Chí Minh có 113 vụ NĐTP với 7.688 người mắc và 7 người chết, Hà Nội có 37 vụ với 370 người mắc và 2 người chết.

 

Ngoài ra, một loạt những vấn đề “nóng” trong lĩnh vực an toàn thực phẩm được ông Đáng kể đến như: Việc nuôi trồng rau quả, gia cầm, thuỷ sản chưa được kiểm soát từ khâu nuôi trồng đến chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, thu hoạch và chế biến. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ 2001 đến nay, tỷ lệ các loại rau còn dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật trung bình từ 30 - 63%. Các mẫu cam Hà Giang, mẫu nho, mẫu táo, lê TQ hầu hết vẫn tồn dư thuốc bảo quản.

 

“Nóng” ở khâu chế biến thực phẩm chủ yếu là thủ công, giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ dẫn tới khó kiểm soát. Chế biến thực phẩm ở nước ta trên 70% là chế biến thủ công, gần như 100% không đạt yêu cầu về VSTP. “Đáng nói là nhận thức của người dân về ATTP còn rất hạn chế. Theo điều tra của Cục ATVSTP, có tới hơn 52% người sản xuất, chế biến thực phẩm chưa có kiến thức về ATTP và hơn 61% người kinh doanh thực phẩm chưa đạt yêu cầu hiểu biết về ATTP, gần 62% người tiêu dùng thiếu hụt nhận thức về ATTP”, ông Đáng cho hay.

 

Quản lý ATVSTP còn lỏng lẻo

 

Trên toàn quốc mới có 352.777 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm được cấp giấy phép kinh doanh, trong đó có tới 1, 5 triệu cơ sở kinh doanh thực phẩm không đăng ký. Đó là chưa kể tới hơn 500.000 cơ sở thực phẩm nhỏ, hộ gia đình, cá thể và dịch vụ ăn uống nằm ngoài vòng quản lý. Đây cũng là lý do dẫn đến tất cả các các ngộ độc thực phẩm xảy ra đều ở các cơ xở chưa được cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm”, ông Đáng nhấn mạnh.

 

Nói về những vấn đề bức xúc của ngành ATVSTP, PGS.TS Trần Đáng đưa ra con số trung bình mỗi tỉnh chỉ có … 0,5 thanh tra ATTP với mức đầu tư 500 đồng/người dân/năm, trong khi thực tế cần 1 thanh tra chuyên ngành/10.000 dân. 1 xã 1 năm trung bình chỉ có 0,2 lần kiểm tra thực phẩm, 1 huyện là 0,4 lần/năm, 1 tỉnh là 1,7 lần/năm…

 

“Với lực lượng mỏng, ít ỏi như vậy, thử hỏi liệu có đủ khả năng kiểm soát khoảng 350.000 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm hoạt động suốt 24/24h, chưa kể tới các cơ sở không đăng ký, kinh doanh nhỏ lẻ không thể quản lý”, ông Đáng bức xúc.

 

Việc quản lý ATVSTP lỏng lẻo một phần do phối hợp liên ngành vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều khi các ban ngành chồng chéo, “đá bóng” cho nhau. Hơn nữa, các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về ATTP còn chưa đồng bộ, còn quá nhẹ không đủ sức răn đe.

 

Để giải quyết các vấn đề bức xúc còn tồn trong lĩnh vực ATTP, Cục ATVSTP đã đưa ra 6 biện pháp tổng thể để giải quyết vấn đề VSATTP. Nhưng liệu các biện pháp này có phát huy hiệu quả, hay chỉ là giải phát trên lý thuyết vẫn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn giữ Cục ATVSTP cùng các ban ngành.

 

Nhưng trong khi các cơ quan chức năng còn tranh luận về trách nhiệm thực sự trong vấn đề ATTP thì hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra hàng ngày hàng giờ. Và liệu mỗi người dân liệu có thể chông chờ vào “vận may” của mình để không ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn, còn tồn dư chất bảo vệ thực vật, kim loại nặng… tránh khỏi nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm?

 

Hồng Hải