1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

An toàn thực phẩm: Cần chế tài đủ mạnh (bài cuối)

Vấn đề bảo đảm an ninh trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt là đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cho người dân trong những ngày Tết ngày càng khó khăn, nặng nề. Do nhu cầu tiêu thụ của thị trường nên các đối tượng thường tìm cách lợi dụng “đánh” vào những mặt hàng Tết.  Bài 1: An ninh cho mâm cơm mọi nhà Bài 2: Tranh cãi chuyên môn để xác lập hành vi

Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49B - Bộ Công an) vừa phá thành công 2 vụ vi phạm điển hình, được đánh giá ở mức độ rất nghiêm trọng về ATTP.

Tại hộ kinh doanh sản xuất nước tương, nước mắm nhãn hiệu Quả Chuông Vàng (C5/28 K ấp 3, xã Vĩnh Lộc B, Bình Chánh) do bà Phạm Thị Nhường làm chủ, trên một khu đất rộng khoảng 1.000m2, cơ sở đang lưu chứa gần 2.000 chai nước tương, nước mắm thành phẩm. Nguồn nước thải không được xử lý, đổ thẳng trên mặt đất tạo nên những dòng nước đen kịt, bốc mùi hôi. Khu sản xuất nước tương tạm bợ tới mức đoàn kiểm tra cho rằng nó còn thua một chuồng heo. Tại đó, nhân viên của công ty đang thực hiện nấu nguyên liệu trong hệ thống bếp than mù mịt khói, bụi. Các bức tường nhà đều loang lổ, bong tróc vữa. Các đường dây điện, ống dẫn nước tương chằng chịt, chạy khắp dưới nền nhà bẩn thỉu.

Hàng ngàn chai nước tương, nước mắm được sản xuất từ công nghệ trung hoà hoá chất công nghiệp nguy hại và 50kg hoá chất Soda Ash Light dùng cho công nghiệp sản xuất thuỷ tinh tại cơ sở nước tương Quả Chuông Vàng.
Hàng ngàn chai nước tương, nước mắm được sản xuất từ công nghệ trung hoà hoá chất công nghiệp nguy hại và 50kg hoá chất Soda Ash Light dùng cho công nghiệp sản xuất thuỷ tinh tại cơ sở nước tương Quả Chuông Vàng.

Bà Nhường sử dụng nguyên liệu là các bã đậu phộng, đậu nành, các loại bã đậu phế phẩm, không nguồn gốc, thu mua trôi nổi trên thị trường. Nhiều bánh dầu này đã bị thối, mốc. Đoàn kiểm tra cũng phát hiện một bao 50kg hoá chất “Soda Ash Light” của Trung Quốc (Na2C03) mà bà Nhường khai dùng để trung hoà nước tương. Trên bao tải này có in rõ dòng chữ tiếng Anh: “hóa chất có tác dụng rẩy rửa chỉ được phép sử dụng trong công nghiệp chế tạo thủy tinh, công nghiệp dệt nhuộm, cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm”. Bà chủ trình bày về qui trình sản xuất: các loại bã đậu nành, đậu tương cho vào thùng phi nhựa ngâm 2 ngày đêm, lọc lấy nước, nấu lại cho chất điều vị, cốt nước tương, đường Acsuca, đem trung hòa bằng hóa chất Soda Ash Light rồi chiết rót vào chai 350ml, can 27 lít, và thực hiện dán nhãn hiệu Quả Chuông Vàng.

Qui trình sản xuất nước mắm cũng đơn giản không kém: hương nước mắm + chất điều vị + muối + đường + chất tạo màu + chất bảo quản. Sau đó được chiết rót vào các loại chai 350, 500ml và can 27 lít, dán nhãn, thành nước mắm chay, cả “nước mắm nhĩ nguyên chất làm từ cá cơm” Quả Chuông Vàng!.

Trước đó, vào 7-1-2016, Cục C49B phối hợp với các ban, ngành kiểm tra phát hiện tại số nhà 7/130, đường Liên Khu 5-6, phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân đang lưu giữ gần 2 tấn ruột heo khô. Toàn bộ số hàng đều không chứng minh được nguồn gốc và giấy kiểm dịch thú y. Trong đó có trên 500kg là có xuất xứ từ Trung Quốc. Đáng nói là số ruột heo khô này bề ngoài không khác gì những tệp giấy nilon được dát mỏng. Để che mắt cơ quan và chính quyền, ruột heo khô được nguỵ trang khéo léo bằng cách xếp trong bao tải, đặt bên dưới những bao tải chứa toàn khăn mặt, khăn tắm. Khéo léo che giấu nên việc kinh doanh này đã trót lọt hơn 10 năm nay nhưng chính quyền không hay biết.

Ông Lôi Trí Cường, 40 tuổi, dân tộc Hoa là chủ cơ sở khai nhận, số hàng trên để làm bao vỏ bao lạp xưởng, gọi theo tiếng Hoa là “sườn chảy”, bán cho các hộ sản xuất lạp xưởng,  phục vụ dịp Tết Nguyên Đán 2016.

Ông Khương Trần Phúc Nguyên, Chánh Thanh tra Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cho hay, vỏ lạp xưởng thường là làm thủ công, mất rất nhiều công, khiến giá thành 1kg lạp xưởng sẽ lên rất cao, khó bán. Chuyện “vỏ lạp xưởng nilon” Trung Quốc, ngành Thú y đã nghe từ lâu nhưng thực tế, ta vẫn cho phép nhập mặt hàng ruột heo collagen để thay thế, nếu xét nghiệm thấy sản phẩm ruột heo khô trong vụ việc trên có thành phần protein (thực phẩm) thì cũng không phạt doanh nghiệp được. Ngoài ra, theo qui định về quản lý lĩnh vực thú y, động vật, sản phẩm động vật khi vận chuyển, kinh doanh phải có giấy chứng nhận kiểm dịch. Song điều lạ là cả con heo nằm trong diện phải kiểm dịch thú y nhưng ruột heo là sản phẩm động vật lại không có trong danh mục cần kiểm dịch. Đây chính là kẽ hở khiến các đối tượng lợi dụng, qua mặt cơ quan chức năng.

Ông chủ Lôi Trí Cường cũng thừa nhận, làm được 1kg ruột heo khô phải cần từ 30 - 35kg lòng, ruột heo tươi, chế biến mất nhiều công đoạn, lâu công, tốn kém… Với 1kg ruột heo khô làm “vỏ” cho 100kg lạp xưởng. Đây chính là nguyên nhân khiến các chủ cơ sở làm lạp xưởng thích nhập loại ruột heo khô để sản xuất chế biến.

Một cán bộ thuộc PC49 Công an TP Hồ Chí Minh trải lòng: Từ năm 2008 tới nay, trải qua 8 năm được thành lập, đơn vị đã phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường và ATTP, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ ANTT-ATXH. Tuy nhiên, chưa có vụ vi phạm ATTP nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc thi hành án phạt có vụ đã lên hàng trăm triệu, không thể cao hơn nữa. Nếu khoản nộp phạt thấp thì người vi phạm còn chấp hành nhưng nếu cao, họ bỏ cả tang vật và không nộp phạt. Do đó việc lập lại trật tự về vi phạm môi trường, phải có nghiên cứu nhằm đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn.

Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường chỉ được quyền kiểm tra vấn đề nước thải, khí thải, chất thải… không có quyền kiểm tra về ATTP, do thuộc thẩm quyền của ngành Y tế. Việc “phân khúc” thẩm quyền này đã gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng.

Theo qui định, người có chứng chỉ bên ngành Y tế mới được lấy mẫu thực phẩm.  Chính vì qui định này nên mới có chuyện một miếng thịt bò có tới 3 Bộ (Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công thương) quản lý. Hiện nay, việc các đối tượng vi phạm dùng hình thức giao dịch trên mạng cũng gây khó cho cơ quan chức năng trong việc truy xuất nguồn gốc vi phạm.

Cần cụ thể hóa từng hành vi, để xác lập vi phạm. Cần có thêm biện pháp xử lý nữa là cấm mọi thành viên liên quan tới vụ việc vi phạm tiếp tục hoạt động. Vì, người vi phạm không sợ phạt tiền mà sợ bị “triệt” con đường làm ăn. Cần nghiên cứu để thực hiện quản lý được các cơ sở bằng hệ thống công nghệ thông tin như ở nước ngoài để cần thiết thực hiện chế tài khi phát hiện vi phạm như buộc đóng băng, phong tỏa tài khoản ngân hàng, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng... Luật pháp của Việt Nam vẫn duy trì phổ biến hình thức tuyên truyền là chính. Nhưng khi vận động, tuyên truyền luôn bao gồm các yếu tố nể nang, trong khi muốn thiết lập được trật tự thì phải dùng “pháp trị”, thực thi nghiêm qui định của nhà nước, của pháp luật.

Theo Huyền Nga

Công an nhân dân