Ăn thịt động vật mắc ung thư có khiến chúng ta bị "lây" bệnh?

Minh Nhật

(Dân trí) - Ung thư là tình trạng các tế bào bị đột biến gen dẫn tới sự phân chia mất kiểm soát. Đương nhiên, không chỉ có con người mà ngay cả các loài động vật cũng có thể mắc phải căn bệnh nan y này.

Nếu ăn thịt động vật có chứa ký sinh trùng như: phẩy khuẩn tả, giun, sán…, mà không được chế biến kỹ thì chúng ta cũng có thể trở thành nạn nhân của các loại vi sinh vật này.

Câu hỏi được đặt ra là liệu con người có bị “lây” ung thư nếu ăn thịt động vật đã mắc phải căn bệnh nan y này.

Ăn thịt động vật mắc ung thư có khiến chúng ta bị lây bệnh? - 1

Để trả lời cho câu hỏi trên, các chuyên gia sẽ phân tích theo 2 tình huống khác nhau:

Trường hợp 1: Nếu chúng ta ăn thịt động vật mắc ung thư đã nấu chín, nhiệt độ cao sẽ khiến các tế bào, kể cả tế bào ung thư phân hủy thành các phân tử nhỏ như axit amin và không ảnh hưởng gì đến cơ thể.

Trường hợp 2: Trong trường hợp ăn thịt tái hoặc thịt chưa qua chế biến nhiệt như các món gỏi, chúng ta cũng không cần phải lo lắng về các tế bào ung thư.

Theo chuyên gia, khi vào cơ thể, tế bào ung thư hay bất kì thành phần nào của thịt cũng sẽ bị tiêu hóa bởi axit dạ dày. Lúc này, tế bào ung thư bị phân hủy và chia nhỏ thành các phân tử axit amin cùng các thành phần khác.

Thậm chí, ngay cả trong trường hợp tế bào ung thư không bị tiêu hóa và được hấp thụ trực tiếp vào mạch máu, chúng cũng sẽ ngay lập tức trở thành mục tiêu tấn công của hệ miễn dịch.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm