Ăn so biển, 4 người nhập viện

(Dân trí) - Cùng lúc 4 người dân ngụ tại Long An đã ăn phải độc tố chết người có trong con so biển vì tưởng nhầm đó là loài sam. Được chuyển đến bệnh viện cứu chữa kịp thời, các bệnh nhân may mắn thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” trong gang tấc.

Sáng 3/6, BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, tại đây vừa tiếp nhận 4 trường hợp nhập viện với biểu hiện ngộ độc. Các nạn nhân gồm: Nguyễn Văn T. (29 tuổi), Huỳnh Văn H. (29 tuổi), Đào Quốc H. (30 tuổi) và ông Huỳnh Thanh P. (60 tuổi) đều ngụ tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An được bệnh viện địa phương chuyển tới.

Nạn nhân không phân biệt được con so và con sam nên đã trúng độc tố tự nhiên
Nạn nhân không phân biệt được con so và con sam nên đã trúng độc tố tự nhiên

Khai thác bệnh sử ghi nhận, sáng 1/6 hai trong số các nạn nhân đi chơi ở khu vực biển Cần Giờ, TPHCM và được người thân tặng hải sản là hai con sam biển mang về. Tuy nhiên, cả người cho và người nhận đều không nhận biết được đó là loài so biển mang trong mình độc tố có thể gây chết người.

Khi về nhà, món hải sản trên được chế biến cho 4 người ăn. Chỉ vài giờ sau khi dùng bữa, cả 4 nạn nhân bắt đầu bị tê tay, tê chân, chóng mặt, đi đứng loạng choạng. Các nạn nhân nhanh chóng được chuyển đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Tuy nhiên, tình trạng bệnh ngày càng trở nặng khiến bệnh nhân cứng miệng, khó thở nên bệnh viện huyện Cần Đước đã tiếp tục chuyển cả 4 người lên bệnh viện Chợ Rẫy.

Sau khi khai thác bệnh sử và thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ xác định, bệnh nhân bị trúng độc tố Tetrodotoxins có trong con so biển. Ngay lập tức các phương pháp điều trị chuyên môn, dùng thuốc giải độc cho người bệnh được tiến hành. Sau một ngày điều trị, đến nay sức khỏe của cả 4 bệnh nhân đã ổn định.

Ngộ độc so biển là tình trạng đã được ghi nhận nhiều tại bệnh viện Chợ Rẫy
Ngộ độc so biển là tình trạng đã được ghi nhận nhiều tại bệnh viện Chợ Rẫy

Ngộ độc do ăn phải so biển vì tưởng nhầm là con sam đã được ghi nhận tại bệnh viện Chợ Rẫy. Năm 2013 một trường hợp trúng loại độc này đã tử vong vì nhập viện trễ, sang năm 2015 nỗ lực của bác sĩ cũng không mang lại kết quả khi một nạn nhân tương tự bị trúng độc quá nặng.

Phân tích chuyên môn của BS Anh Thơ chỉ ra, độc chất Tetrodotoxins có trong so biển (cũng gặp nhiều trong cá nóc) rất bền với nhiệt nên khi chế biến, nấu chín vẫn không thể loại bỏ được. Loại chất này thường tập trung ở da, gan, trứng còn trong thịt thì so thì ít hoặc không có. Sau khi ăn phải Tetrodotoxin nếu không cứu chữa kịp thời, bệnh nhân sẽ bị trụy tim mạch, huyết áp dẫn tới tử vong.

Theo BS Anh Thơ, so biển có hình dạng tương đối giống con sam. Tuy nhiên, có thể phân biện chúng nhờ bộ phận đuôi. Ở sam biển, đuôi nổi lên gờ rất rõ, khi cắt ngang có hình tam giác, đuôi của so tròn và khi cắt ngang thì tiết diện hình tròn.

Vân Sơn