Ăn nhanh làm tăng nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa

(Dân trí) - Kết quả nghiên cứu tại Nhật Bản dưới đây sẽ khiến nhiều người phải thay đổi thói quen ăn uống hàng ngày nếu muốn có sức khoẻ tổng thể tốt hơn.

Một nghiên cứu ở hơn 1.000 người trung niên cho thấy những người ăn nhanh có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hoá (béo phì, huyết áp cao, đường máu và cholesterol) cao gấp 5,5 lần so với những người ăn chậm.

Theo TS. Takayuki Yamaji, bác sỹ tim mạch tại Đại học Hiroshima (Nhật Bản) kết quả của nghiên cứu 5 năm này (bắt đầu từ 2008) cho thấy 11,6% nhóm ăn nhanh đã mắc hội chứng chuyển hóa trong khi ở nhóm có tốc độ ăn bình thường là 6,5%, và chỉ 2,3% ở những người ăn chậm.

an

Theo đó, 642 nam giới và 441 nữ giới ( tuổi trung bình là 51) đều khỏe mạnh khi bắt đầu tham gia nghiên cứu. Họ được chia thành 3 nhóm theo nhận định của bản thân họ về tốc độ ăn uống là chậm, bình thường hay nhanh.

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ăn chậm và cắn miếng nhỏ hơn giúp chúng ta có cảm giác đói ít hơn một giờ so với những người nuốt chửng thức ăn. Và những người ăn chậm cũng uống nhiều hơn nên nhanh no hơn.

Tiến sĩ Yamaji nói: “Khi mọi người ăn nhanh, họ sẽ không cảm thấy no và như thế, có thể sẽ ăn quá nhiều. Ăn nhanh khiến glucose tăng tiết bất thường và có thể dẫn đến kháng insulin”.

Một nghiên cứu trước đây của các chuyên gia thuộc Trường Đại học Bang North Carolina đã phát hiện ra rằng “ăn uống có tâm” tức là thưởng thức từng miếng ngon, tập trung vào mùi vị và “ăn uống có chủ đích” giúp chúng ta giảm trọng lượng gấp 6 lần so với những người nhịn ăn để cố giảm cân.

Họ đã phát hiện ra rằng tuân theo quy tắc “ăn uống có tâm” này, những người thừa cân đã giảm được 1,9kg trong 15 tuần trong khi những người nhịn ăn để giảm cân chỉ giảm được 0,2kg.

Theo đó, các nhà nghiên cứu khuyến khích tắt tivi vào bữa tối và không ăn trưa tại bàn làm việc.

Quách Vinh - Nhân Hà

Theo Dailymail