Ẩn hoạ từ những trái cây "chín vàng" nhờ hoá chất

(Dân trí) - Trình bày là một phần quan trọng trong ẩm thực. Với rau, củ, quả màu sắc vô cùng quan trọng, trái chín vàng ươm, đỏ mọng tạo cảm quan ngon miệng qua cái nhìn đầu tiên. Nhưng hiện nay, quá nhiều trái cây được cho chín “ép”, chín “sượng” bằng hóa chất, đã thật sự là một vấn nạn, bất an cho xã hội .

 

Ẩn hoạ từ những trái cây "chín vàng" nhờ hoá chất - 1

Ủ chum, bã đất đèn và hơi etylen

Trước đây, bà con nông dân thường cho ủ chum kín có xông nhang cho hết oxy, dùng đất đèn để “giấm chín” trái cây. Vì tác dụng kém và không đồng đều, độc hại và dễ cháy nổ nên sau này ít ai dùng nữa.

Sau đó, etylen được đưa vào ứng dụng. Trên thế giới, từ lâu etylen đã được sử dụng trong trồng trọt để đẩy nhanh quá trình nẩy mầm, ra rễ, chín quả, gây rụng lá nhân tạo, kích thích tiết nhiều mủ cao su… Vì ethylen là một chất khí nên việc sử dụng thường khó khăn, do đó, trong sản xuất nông nghiệp, người ta thường sử dụng các chất tổng hợp có tác dụng tương tự ethylen là ethephon (ethrel, bromeflor, arvest, vinylchlorid …). Ethephon hòa tan trong nước, ít độc với người, gia súc, ong, tôm cá, (liều chết LD 50 với chuột cống= 7g/kg). Khi phun vào cây, quả, ethephon bị nước có trong tế bào phân hủy thành etylen.

Chất kích thích tăng trưởng, IAA, 2.4 D, 2,4,5 T

Chất kích thích tăng trưởng, auxin, bắt nguồn từ ngôn ngữ Hy Lạp – auxein, có nghĩa là tăng trưởng.Trong số các chất tiêu biểu, phải kể đến axit β - indolylaxetic (IAA), axit α – naphtylaxetic.

Người ta đã tổng hợp được auxin để sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp: NAA (axit naphtylaxetic) được dùng như hocmon ra rễ và nảy mầm; axit 2,4-diclophenoxiaxetic (2,4-D), axit 2,4,5-triclophenoxiaxetic (2,4,5-T) có tác dụng kích thích tăng trưởng ở nồng độ phần triệu (ppm).

Vì 2,4 D và 2,4,5 T với nồng độ cao lại có tác dụng diệt cây cỏ, nên chúng được sản xuất ở quy mô công nghiệp dùng làm chất diệt cỏ phát quang rừng rậm. Trong quá trình sản xuất thuốc diệt cỏ (2,4-D và 2,4,5-T) này luôn luôn  tạo ra một lượng nhỏ tạp chất dioxin. Dioxin là chất độc, nồng độ phần tỷ (ppb) cũng đủ gây ra ung thư, quái thai, dị tật….

Gây độc là do cách sử dụng

Theo tài liệu khoa học nông nghiệp, những hóc môn thực vật, chất kích thích tăng trưởng, đã được con người sử dụng rất lâu trong canh tác, chế biến nông sản thực phẩm như cho đâm chồi, mọc rễ, ra hoa, kết trái…

Với những chất làm chín, nếu được sử dụng đúng quy trình chắc chắn sẽ cho ta những món ăn bắt mắt, hấp dẫn, ngon và an toàn.

Nhưng, vì những lợi ích nhất thời, như có sản vật trái vụ, cho chín ép để kịp xuất hàng.v.v… những nhà sản xuất, thương lái đã sử dụng không đúng quy cách, sai liều chỉ dẫn khiến thực phẩm trở thành chất độc gây hai cho người. Đặc biệt với 2.4 D và 2,4,5 T là những chất chỉ được dùng để trộn vào phân bón với liều cực thấp, chứ không dùng liều cao lại ngâm trực tiếp trái cây vào để thúc chín như một số gian thương thực hiện.

Đôi điều bàn luận

Trình bày là một phần quan trọng trong ẩm thực. Riêng rau quả, màu sắc vô cùng quan trọng, trái chín vàng ươm đỏ mọng tạo cảm quan ngon miệng qua cái nhìn đầu tiên. Nhưng hiện nay, quá nhiều trái cây được cho chín “ép”, chín “sượng” bằng hóa chất là một vấn nạn.

Dù cũng có những hướng dẫn cách nhận biết củ quả tốt xấu, nhưng đây là những nhận xét cảm quan nhiều hơn là chứng cứ khoa học, Người tiêu dùng cần lưu ý hai điều: một là sử dụng sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và hai là hạn chế tối đa chất độc trong thực phẩm bằng cách rửa nhiều nước các loại trái cây hay rau củ để loại bỏ hết dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng trước khi đem chế biến, sử dụng. Với các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là cục vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) phải tích cực kiểm tra và quyết liệt xử lý những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ nhằm lành mạnh hóa thị trường và ổn định tâm lý người tiêu dùng.

Theo TS.BS Trần Bá Thoại    

Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM