Ẩn họa từ 53% người nhiễm HIV chưa điều trị

(Dân trí) - Đại diện chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) nhận định, Việt Nam còn phải đương đầu với ẩn họa từ hơn 50% số người nhiễm HIV không tham gia điều trị ARV. Đây sẽ là nguồn lây nhiễm, rào cản lớn cho nỗ lực kết thúc đại dịch.

Theo thống kê mới nhất của Cục phòng chống HIV/AIDS trong 6 tháng đầu năm 2017 trên cả nước phát hiện thêm 4.541 trường hợp mới nhiễm HIV, nâng số ca tích lũy ở nhóm bệnh nhân còn sống lên 209.591 trường hợp, với gần 91.000 ca đã tử vong từ khi xuất hiện dịch đến nay.

picture1

Còn 53% số người nhiễm HIV chưa tham gia điều trị, nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng

Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS nhận định, tình hình dịch ở Việt Nam đã giảm nhưng giảm chưa sâu, chưa ổn định. Tỷ lệ lây nhiễm trong nhóm tiêm chích ma túy có giảm nhưng ngược lại tỷ lệ lây nhiễm ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, nhóm sử dụng mà túy tổng hợp, quan hệ tình dục tập thể tình dục không an toàn đang tăng. Dịch HIV/AIDS vẫn tiềm ẩn trong cộng đồng, những địa bàn được đầu tư nhiều cho hoạt động tham vấn xét nghiệm, số nhiễm HIV phát hiện mới vẫn tiếp tục gia tăng.

Bà Marie-Odile Emond, Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tại Việt Nam cho rằng: Cuộc chiến với AIDS vẫn chưa kết thúc khi mỗi năm Việt Nam vẫn còn khoảng 11.000 ca mắc mới HIV với 8.000 ca tử vong. Hiện mới chỉ có 47% số người nhiễm HIV tiếp cận điều trị, khoảng 53% bệnh nhân còn lại chưa được điều trị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, các nguồn lực nước ngoài tài trợ cho Việt Nam thời gian qua liên tục bị cắt giảm gây khó khăn cho việc đáp ứng tiếp cận, điều trị của người bệnh; sự thay đổi của hình thái dịch cũng phức tạp khi tình trạng quan hệ tình dục đồng giới, quan hệ tình dục tập thể ở nhóm sử dụng ma túy tổng hợp đang tăng tỷ lệ lây nhiễm.

Để đạt được mục tiêu chấm dứt đại dịch vào năm 2030, bà Marie-Odile Emond cho rằng, chính phủ Việt Nam cần phải có những giải pháp chiến lược, gia tăng hơn nữa các nguồn lực, dồn tổng lực cho công cuộc phòng chống HIV. Trong đó, sự bền vững tài chính thông qua tăng ngân sách nhà nước cho phòng chống HIV ở cả tuyến Trung ương và địa phương cần được xem là giải pháp mang tính bền vững.

Vân Sơn