Ăn chay trường có giết được ung thư, phân tích từ chuyên gia dinh dưỡng

(Dân trí) - Trong cơ thể bệnh nhân ung thư cùng tồn tại song hành cả tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh. Chúng đều “sống” nhờ vào các nguồn thực phẩm chúng ta nạp vào cơ thể.

Theo GS.TS Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Phụ trách Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng An toàn thực phẩm (Đại học Y Hà Nội), hiểu một cách đơn giản là bất kỳ loại dưỡng chất, nguồn năng lượng nào nuôi sống chúng ta thì cũng nuôi sống tế bào ung thư. Trong cơ thể bệnh nhân ung thư có cả tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh cùng tồn tại song hành.

“Phải khẳng định là không thể phân tách rạch ròi thức ăn nào là dành cho tế bào khỏe mạnh, thức ăn nào là dành cho tế bào ung thư. Điều này đồng nghĩa với việc lựa chọn cách ăn kiêng khem thái quá", TS Hương nhấn mạnh.

Việc kiêng khem các loại thực phẩm giàu đạm, protein… chỉ ăn thực dưỡng, ăn chay trường mà nghĩ rằng nó có thể giết chết tế bào ung thư và khỏi bệnh là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm và phản khoa học.

Ăn chay trường có giết được ung thư, phân tích từ chuyên gia dinh dưỡng - 1

Ung thư là một bệnh mạn tính, trực tiếp ảnh hưởng đến cơ quan khởi phát bệnh và có thể di căn đến các vị trí khác, gây ra một loạt các biến chứng, trong đó có tác động tiêu cực đến tình trạng dinh dưỡng. Đồng thời tình trạng dinh dưỡng kém cũng ảnh hưởng ngược lại đến đáp ứng điều trị, cách thức điều trị và chất lượng cuộc sống trên người bệnh.

Dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong chăm sóc người bệnh ung thư. Mục đích nhằm hồi phục tình trạng suy mòn/suy dinh dưỡng, giúp ngăn ngừa các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong liên quan đến ung thư.

Các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch… có thể khiến người bệnh ăn ít hơn và giảm cân.

Mục tiêu dinh dưỡng trong thời gian này là duy trì cân nặng lý tưởng và áp dụng một chế độ ăn cân đối, lành mạnh để cung cấp năng lượng, sửa chữa, phục hồi và điều trị bệnh.

Theo TS Hương, người bệnh đang điều trị không cần kiêng khem nghiêm ngặt, nhưng nên lưu ý một số điều dưới đây:

- Ăn ít nhưng đủ dinh dưỡng, giàu năng lượng và giàu đạm. Bổ sung thêm các sản phẩm giàu dinh dưỡng (sữa dinh dưỡng).

- Kiểm soát được lượng thức ăn mà người bệnh ăn vào.

- Nên uống nước trước hoặc sau bữa ăn 30 phút. Tránh uống nước trong khi ăn vì điều này có thể làm giảm sự ngon miệng.

- Không nên ăn uống đồ có đường, nước ngọt, thức ăn nhiều chất béo.

- Thường xuyên thay đổi cách chế biến và màu sắc của thức ăn để tăng sự hấp dẫn. 

- Tránh ngửi mùi thức ăn khi đang chế biến.

- Giữ vệ sinh răng, miệng. 

- Nếu không ăn được thức ăn thông thường thì chuyển sang chế độ ăn nhỏ, mềm, nhuyễn (cháo, súp...)

- Khi người bệnh không ăn được hoặc ăn uống thông thường không đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng thì phải có các phương pháp hỗ trợ nuôi dưỡng hoặc nuôi dưỡng thay thế.

Mỗi người bệnh có thể trạng khác nhau, quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể hay tiêu hao năng lượng cũng khác nhau, đặc biệt là với người bệnh ung thư. Bệnh nhân ung thư nên đến gặp bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ dinh dưỡng để thiết lập cho mình chế độ ăn phù hợp, hiệu quả. 

Hà An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm