5 nguyên tắc dinh dưỡng bệnh nhân ung thư
(Dân trí) - Điều cần ưu tiên hàng đầu trong chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư là phải cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho các tế bào lành, từ đó tăng cường sức khỏe, sức đề kháng của cơ thể để chống chọi lại bệnh tật.
Kiêng khem một cách cực đoan khi mắc ung thư vì sợ sẽ “vỗ béo” tế bào ung thư, khiến bệnh tiến triển nhanh hơn là sai lầm mà nhiều bệnh nhân ung thư mắc phải. Cần nhớ rằng, bên cạnh các tế bào ung thư, một phần lớn cơ thể người bệnh vẫn là tế bào khỏe mạnh. Chính vì vậy điều cần ưu tiên hàng đầu trong chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư phải là cung cấp đủ dưỡng chất cho các tế bào này, từ đó tăng cường sức khỏe, sức đề kháng của cơ thể để chống chọi lại bệnh tật.
GS.TS. Lê Thị Hương – Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng; Trưởng bộ môn Dinh dưỡng An toàn thực phẩm (Trường Đại học Y Hà Nội) cho biết: Chế độ dinh dưỡng cho người mắc ung thư cần dựa vào loại ung thư, vào giai đoạn ung thư và thực trạng cơ thể của từng bệnh nhân.
Tuy nhiên tựu chung lại vẫn cần đảm bảo sự cân đối và đầy đủ dưỡng chất: Đủ về mặt năng lượng, đủ protein, đủ vitamin và khoáng chất. Vì vậy, có thể nói chế độ ăn của người mắc bệnh ung thư về cơ bản không khác chế độ ăn của người bình thường, vẫn cần đảm bảo có đủ thịt, cá, trứng, sữa, rau.
GS.TS. Lê Thị Hương cũng chỉ ra những nguyên tắc dinh dưỡng căn bản đối với bệnh nhân ung thư như sau:
Hạn chế ăn dầu mỡ, các loại thịt đỏ:
Trước hết cần hạn chế ăn những loại thức ăn có quá nhiều dầu mỡ, đặc biệt là mỡ động vật, bởi bệnh nhân ung thư vốn dĩ sức khỏe, hệ miễn dịch đã kém, việc nạp nhiều chất béo vào cơ thể sẽ dễ gây ra một loạt các bệnh lý kèm theo như rối loạn mỡ máu, tiểu đường.
Bên cạnh đó, thịt đỏ (thịt của các loại gia súc) cũng là một loại thực phẩm nên hạn chế, chúng ta có thể thay thế bằng thịt gia cầm, thịt cá, nguồn đạm từ thực vật. Trong trường hợp ăn thịt gia súc thì nên ưu tiên chọn phần thịt thăn. “Nói như vậy không có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn dầu mỡ và thịt đỏ ra khỏi thực đơn của bệnh nhân ung thư, bởi vì những thực phẩm này vẫn chứa những dưỡng chất thiết yếu mà cơ thể cần.” - GS.TS. Lê Thị Hương nhấn mạnh.
Tránh ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn:
Bệnh nhân ung thư cần giảm tối đa, nếu được thì loại bỏ hoàn toàn khỏi khẩu phần ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn như: lạp sườn, xúc xích, thịt nguội, thịt hun khói. Trên thực tế, ngay cả với những người bình thường, đây cũng là các món ăn không tốt cho sức khỏe và nên hạn chế. Bên cạnh đó, bệnh nhân ung thư cũng nên giảm lượng muối, thức ăn chua như dưa, cà muối trong khẩu phần ăn.
Tùy vào tình trạng bệnh để có cách chế biến phù hợp: Có một số loại ung thư gây rát cổ họng, cản trở khả năng nuốt, tiêu hóa kém… thì nên cho bệnh nhân ăn các loại thức ăn dạng lỏng, mềm như: cháo, súp.
Tăng cường cung cấp vitamin và khoáng chất: Bệnh nhân ung thư nên ăn nhiều các loại rau quả để tăng cường vitamin và khoáng chất. Bên cạnh rau quả thì có thể tăng cường thêm bằng thực phẩm chức năng, vitamin tổng hợp, đặc biệt là vitamin B: Kích thích sự thèm ăn và cảm giác ngon miệng, hỗ trợ tiêu hóa; vitamin A, C, E: Chống oxy hóa và tăng cường hệ miễn dịch.
- Hạn chế ăn các loại đường tinh chế: Chúng ta cần hạn chế sử dụng đường tinh chế. Giải pháp thay thế đường tinh chế chính là các loại tinh bột như ngũ cốc.
- Đối với bệnh nhân vừa trải qua quá trình hóa, xạ trị: Dưới tác dụng phụ của thuốc và tia phóng xạ, bệnh nhân thường buồn nôn và không muốn ăn uống, đặc biệt là sau khi vừa truyền hóa chất xong. “Trong trường hợp này chỉ nên cho bệnh nhân ăn từng ít một; không ăn những thực phẩm có tính kích thích mạnh gây buồn nôn như đồ quá chua, quá cay, đồ ăn có mùi vị khó chịu. Thực phẩm cũng nên chế biến dưới dạng mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hóa.” - GS.TS. Lê Thị Hương khuyến nghị.
Minh Nhật