Ăn bún giò, cụ bà 67 tuổi bị xương lợn dài 1,5 cm lọt vào phế quản

Khánh Hồng

(Dân trí) - Các bác sĩ khoa Nội hô hấp - Miễn dịch dị ứng (Bệnh viện Đà Nẵng) vừa gắp thành công mảnh xương lợn dài 1,5 cm nằm hơn một tháng trong phế quản của một cụ bà.

Bệnh nhân là bà Đ.T.H. (67 tuổi, trú xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam).

Trước đó, ngày 8/11, bà H. vào Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng ho nhiều, khạc đờm, tức ngực, khàn tiếng.

Bà H. cho biết, bà bị ho nên đi khám bác sĩ tư ở địa phương, có chụp X - Quang phổi và uống thuốc viêm phổi 2 tuần nhưng không đỡ. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục uống thuốc nam thêm 2 tuần cũng không đỡ ho, có sốt từng đợt.

Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Bình An được chụp CT phát hiện có dị vật trong phổi và chuyển Bệnh viện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), sau đó chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng.

Ăn bún giò, cụ bà 67 tuổi bị xương lợn dài 1,5 cm lọt vào phế quản - 1

Mảnh xương lợn dài 1,5 cm được gắp ra khỏi phế quản của bệnh nhân Đ.T.H (Ảnh: Đ.Q).

Qua khai thác, bệnh nhân cho biết có ăn bún giò trước đó hơn một tháng, có ho sặc nhưng sau đó không khó thở mà ho kéo dài.

Bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm thùy dưới phổi phải và dị vật ở phế quản trung gian phải kèm bệnh đái tháo đường túyp 2.

Các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng đã tiến hành nội soi phế quản bằng ống soi mềm gây tê gắp dị vật. Sau hơn một giờ gắp được dị vật là một mảnh xương lợn dài 1,5 cm nằm trong lòng phế quản phải của bệnh nhân. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và chuẩn bị ra viện.

Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Tâm - Phó trưởng khoa Nội hô hấp - Miễn dịch dị ứng (Bệnh viện Đà Nẵng) - cho biết, bệnh nhân bị dị vật có kích thước khá lớn nằm hơn một tháng trong lòng phế quản nên phổi của bệnh nhân đã xuất hiện viêm phổi hậu tắc và tổ chức hạt mọc ra nhiều xung quanh dị vật.

Ăn bún giò, cụ bà 67 tuổi bị xương lợn dài 1,5 cm lọt vào phế quản - 2

Hiện sức khỏe của bệnh nhân Đ.T.H. đã ổn định và chuẩn bị xuất viện (Ảnh: Đ.Q).

Nếu gia đình không đưa bệnh nhân tới viện điều trị kịp thời, dị vật có thể bám chắc và sâu hơn, gây ra nhiễm trùng đường hô hấp dưới, nặng hơn có thể xuất hiện áp xe phổi, tràn mủ màng phổi, giãn phế quản do dị vật bỏ quên lâu ngày. Lúc đó việc điều trị sẽ khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường nên làm nặng thêm tình trạng nhiễm trùng. Việc gắp bỏ dị vật giúp điều trị nhiễm trùng đường hô hấp triệt để và ngăn ngừa các đợt nhiễm trùng tái phát.

Theo bác sĩ Tâm, thông thường khi bị hóc xương, đa số mọi người thường cố gắng khạc, dùng tay móc, nuốt miếng thức ăn to hoặc chữa mẹo dân gian để lấy xương ra… Tuy nhiên, những điều này sẽ làm cho niêm mạc họng bị trầy xước, chảy máu, dễ nhiễm trùng, dị vật có thể bị mắc sâu hơn và rơi vào những vị trí nguy hiểm.

Những biểu hiện của dị vật bị bỏ quên trong đường thở thường không rõ ràng nên trong nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ điều trị viêm phổi. Vì vậy người bệnh cần để ý và cung cấp đầy đủ thông tin cho để bác sĩ nắm bắt các khả năng có thể xảy ra và đưa ra hướng chẩn đoán, điều trị kịp thời.

 "Trong khi ăn uống mọi người không nên ăn vội vàng, vừa ăn vừa nói hay cười đùa, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ. Những thức ăn có hạt trơn láng như mãng cầu, nhãn… cần lấy hạt ra trước rồi hãy ăn. Cần tập trung ăn uống, nhai kỹ để hạn chế tình trạng dị vật lọt vào đường ăn, đường thở. Khi không may hóc kèm những biểu hiện bất thường như: khó thở, ho nhiều, tức ngực cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời", bác sĩ Tâm khuyến cáo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm