Ai cần sàng lọc ung thư vú sớm?

Thông thường, sàng lọc ung thư vú dựa trên nguy cơ mắc ung thư vú của phụ nữ.

 
Ai cần sàng lọc ung thư vú sớm? - 1

Ảnh minh họa

Hỏi:

Mẹ tôi mắc ung thư vú và đã điều trị được 7 năm, hiện sức khỏe của bà khá tốt. Tôi lo ngại ung thư vú có thể di truyền, vậy có nên thường xuyên khám sàng lọc ung thư vú hay không, thưa bác sĩ?

Trần Phi Phụng (Bắc Giang)

Trả lời:

Bệnh ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng nếu được phát hiện sớm thì tỷ lệ chữa thành công rất cao. Vậy nên, việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Thông thường, sàng lọc ung thư vú dựa trên nguy cơ mắc ung thư vú của phụ nữ. Theo đó, có thể chia đối tượng sàng lọc ung thư vú thành hai nhóm nguy cơ gồm: Nhóm nguy cơ trung bình và nhóm tăng nguy cơ.

Nhóm tăng nguy cơ (nguy cơ tích lũy đến tuổi 75 là 15 - 20%): Tiền sử gia đình (họ hàng bậc 1) có người mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, vòi trứng, phúc mạc; Có mẹ, chị em gái hoặc con gái đã được xác định mang đột biến gen BRCA1/2; Tiền sử sinh thiết vú chẩn đoán tăng sinh không điển hình; Tiền sử mắc ung thư biểu mô thể tiểu thùy tại chỗ (LCIS); Tiền sử xạ thành ngực điều trị ung thư trước tuổi 30. Ngoài ra, những phụ nữ đã được xác định có mang gen BRCA đột biến sẽ được xếp vào nhóm có yếu tố di truyền, cần có một chương trình sàng lọc, dự phòng và tư vấn đặc biệt.

Nhóm nguy cơ trung bình bao gồm những chị em phụ nữ trên 40 tuổi, không có bất kỳ dấu hiệu nào của nhóm yếu tố tăng nguy cơ.

Sàng lọc ung thư vú giúp làm tăng tỷ lệ chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm và do đó làm tăng tỷ lệ điều trị khỏi. Hơn nữa, điều trị ung thư vú giai đoạn sớm thường ít phức tạp hơn và sẽ ít tốn kém hơn so với chẩn đoán ở giai đoạn muộn. Bệnh nhân ung thư vú giai đoạn sớm cũng có cơ hội lựa chọn các cách thức điều trị ít tác dụng phụ hơn như phẫu thuật bảo tồn, không vét hạch nách, không phải xạ trị…

TS.BS. Lê Hồng Quang, Trưởng khoa Ngoại vú, Bệnh viện K
Theo baogiaothong.vn