Ai cần chụp cắt lớp vi tính ngực liều thấp để phát hiện ung thư?
(Dân trí) - Những người có nguy cơ cao bị ung thư phổi, việc chụp cắt lớp với liều xạ thấp hàng năm có thể giúp phát hiện sớm ung thư phổi so với chụp X- quang phổi thông thường.
Ở Việt Nam, ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất. Đây là một trong số những bệnh ung thư nguy hiểm và chiếm tỷ lệ tử vong cao, do thường được phát hiện muộn và khó điều trị.
Trong khi đó, ung thư phổi diễn biến rất âm thầm, chỉ có triệu chứng ở giai đoạn muộn. Chụp X-quang thông thường không thể phát hiện sớm tổn thương, không phát hiện được khối u kích cỡ nhỏ.
Theo các chuyên gia Bệnh viện K, với những người có yếu tố nguy cơ cao mắc ung thư phổi có thể thực hiện chụp cắt lớp vi tính liều thấp để phát hiện sớm nguy cơ ung thư.
Các dữ liệu nghiên cứu gần đây cho thấy, với những bệnh nhân có nguy cơ cao bị ung thư phổi, việc tiến hành sàng lọc chẩn đoán sớm ung thư bằng chụp cắt lớp với liều xạ thấp hàng năm tăng được thêm 20% số trường hợp ung thư phổi được phát hiện khi so với chụp X-quang phổi thông thường. Chính nhờ những lợi ích rõ rệt như vậy, do đó, nhiều khuyến cáo hiện nay đang đề nghị đưa chụp cắt lớp vi tính ngực liều xạ thấp, tiến hành hàng năm là phương pháp tốt để sàng lọc, phát hiện ung thư phổi sớm.
Test chẩn đoán được coi là dương tính khi phát hiện các nốt không calci hóa từ 4mm trở lên đối với chụp cắt lớp vi tính liều thấp, và nốt không calci hóa bất kỳ trên X-quang ngực.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư phổi:
Giới tính
Ung thư phổi chiếm ưu thế ở nam giới 50-75 tuổi. Tại các nước phương Tây, tỷ lệ ung thư phổi ở nam giới của vài quốc gia những năm gần đây không gia tăng trong khi tỷ lệ ung thư phổi có chiều hướng gia tăng ở phụ nữ.
Thuốc lá
Đa số ung thư phổi xuất hiện ở những người đã và đang hút thuốc lá (80%) cộng thêm 5% ước tính do hậu quả của sự tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá. Mức độ nặng nhẹ của sự tiếp xúc với khói thuốc tùy thuộc vào số năm mà người đó đã hút thuốc, số điếu thuốc hút trong ngày và phần nhựa có trong điếu thuốc.
Có 10-13% người nghiện thuốc lá có nguy cơ ung thư phổi với một thời kỳ tiềm ẩn từ 30 đến 40 năm tính từ lúc mới bắt đầu hút thuốc cho đến khi xuất hiện ung thư phổi.
Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 10 lần người không hút thuốc. Nếu hút 20 điếu thuốc lá/ngày, nguy cơ mắc ung thư phổi gấp 26 lần người không hút.
Trong các nguyên nhân này, tác nhân thuốc là nguy hiểm nhất. Đặc biệt với ung thư tế bào nhỏ do thuốc lá rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong rất cao, chỉ khoảng 6% sống được 5 năm, do bệnh thường phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn, cơ hội sống sót thấp.
Nghề nghiệp
Chất sinh ung asbestos trong một vài loại nghề nghiệp (ví dụ như nghề mài má phanh xe) là yếu tố nguy cơ mắc ung thư phổi. Công nhân làm việc ở một số mỏ có nguy cơ ung thư phổi cao hơn như mỏ phóng xạ uranium, mỏ kền, mỏ cromit, công nhân làm việc trong một số ngành nghề có tiếp xúc amiăng, công nghiệp hóa dầu, công nghiệp nhựa, khí đốt. Việc tiếp xúc với khí radon, các ô nhiễm không khí từ kỹ nghệ kim loại nặng và môi trường ô nhiễm khói thuốc có liên quan đến sự xuất hiện ung thư phổi.
Các bệnh ở phế quản phổi
Ung thư phổi xảy ra trên những sẹo xơ là vấn đề đã đề cập khá nhiều. Các sẹo xơ thường là do lao, nhồi máu phổi, viêm phổi hoặc bệnh bụi phổi. Cơ chế gây bệnh chưa rõ nhưng người ta cho rằng sự xơ hóa làm tắc nghẽn mạch bạch huyết gây tích tụ các chất sinh ung có thể dẫn đến ung thư.
Ô nhiễm không khí: do hơi đốt ở gia đình, xí nghiệp, hơi xả ra từ các động cơ.
Di truyền: chưa được chứng minh, nhưng có thể có yếu tố gia đình liên quan đến một số đột biến gen.
Người bị ung thư phổi thường có các dấu hiệu báo động đỏ như: ho ra máu, đau ngực, thỉnh thoảng co giật, đặc biệt giảm cân rất nhanh. Có bệnh nhân giảm đến 10kg trong 3 tháng.