TP Huế:

98% cơ sở thức ăn đường phố không đạt chuẩn vệ sinh

(Dân trí) - Đó là kết quả khảo sát tình hình vệ sinh an toàn thức ăn đường phố ở TP Huế được công bố đầu tháng 4/2010 do các bác sĩ thuộc Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng Thừa Thiên-Huế phối hợp thực hiện.

98% cơ sở thức ăn đường phố không đạt chuẩn vệ sinh - 1

Những quán ăn như thế này có thể thấy ở bất kỳ con phố nào trong thành phố Huế
Hiện tại có đến 98% cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn theo Quyết định số 3199/2000/QD-BYT của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, tỷ lệ nhiễm vi sinh vật trong mẫu thức ăn ở các quán ăn đường phố cũng lên tới gần 70%.

 

 Khảo sát được tiến hành lấy mẫu thức ăn ngẫu nhiên tại 102 cơ sở kinh doanh thức ăn trên các tuyến đường trên TP Huế như: Nguyễn Huệ, Điện Biên Phủ, Bà Triệu, Hải Triều, Bùi Thị Xuân... Theo đó, nhóm thực phẩm có mức độ ô nhiễm cao nhất có nguồn gốc từ cá chiếm 80%, rau sống trên 70%, thấp nhất là ngũ cốc nhưng cũng lên đến 62,5%.

 

Đặc biệt, hai loại thực phẩm đường phố thường xuyên được học sinh, sinh viên sử dụng là bánh mỳ và kem thì tỷ lệ không đạt tiêu chuẩn vệ sinh lên đến gần 67%. Nguyên nhân của tình trạng trên chính là ý thức giữ gìn an toàn vệ sinh trong khi chế biến thức ăn đường phố của các chủ cơ sở kinh doanh chưa cao.

 

Chỉ có gần 12% quán ăn đạt tiêu chuẩn về sử dụng dụng cụ riêng cho thực phẩm chín, 13,8% quán ăn có tủ bày bán được che đậy, chưa đến 9% số quán ăn có đủ ba chậu rửa chén, bát riêng biệt…

 

Được biết, nhiều chỉ số khảo sát về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các quán ăn đường phố ở Huế cũng cho kết quả gần với khảo sát ở một số thành phố lớn khác như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...

 

Bác sĩ Bạch Văn Linh - thành viên của nhóm khảo sát trên cho rằng: “Người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức về thói quen ăn uống từ các quán ăn đường phố. Nên ăn thực phẩm chín đã được nấu sôi và không để nguội quá 2 giờ. Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa các biện pháp truyền thông giáo dục, giám sát, thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố”.

 

Với các chủ cơ sở kinh doanh quán ăn, bằng các biện pháp dễ thực hiện như dọn phòng, rửa dao, thớt, dụng cụ chứa nước nên có nắp đậy, người phục vụ phải rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thực phẩm, sử dụng găng tay phải thường xuyên.

 

Đại Dương