90% phụ nữ Việt sẽ mắc bệnh lý này ít nhất một lần trong đời
(Dân trí) - Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca mắc bệnh phụ khoa tại nước ta mỗi năm tăng 15-27%. Hầu hết phụ nữ sẽ mắc bệnh lý này ít nhất một lần trong suốt cuộc đời.
Phát biểu tại lễ phát động chương trình "20 triệu phụ nữ Việt Nam: Phụ khoa đúng cách - Hạnh phúc trọn vẹn" diễn ra tại Hà Nội chiều 6/7, TS Trần Đăng Khoa, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, tại nước ta có đến 90% phụ nữ sẽ ít nhất một lần bị bệnh phụ khoa trong suốt cuộc đời.
Ngoài ra, có 11% bị viêm nhiễm nhiều lần. Theo ông, đặc điểm của phụ nữ Việt Nam là mặc dù có dấu hiệu viêm nhiễm nhưng vẫn rất ngại, chủ yếu bỏ qua hoặc tự chăm sóc. Khi bệnh diễn biến nặng, chị em mới đi khám, khi đó việc điều trị rất tốn kém, mất nhiều thời gian, bệnh khó chữa.
"Các bệnh phụ khoa ảnh hưởng lớn đến sức khỏe sinh sản của chị em, có thể dẫn đến viêm cổ tử cung, viêm vòi trứng, tắc vòi trứng. Hậu quả có thể dẫn đến vô sinh. Chúng tôi luôn mong muốn cải thiện tình trạng sức khỏe phụ nữ Việt Nam", TS Khoa nói.
Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca mắc bệnh phụ khoa mỗi năm tăng 15-27%. Trong số các bệnh phụ khoa, viêm âm đạo là căn bệnh chị em hay mắc phải nhất.
Điều đáng lo ngại là xu hướng trẻ hóa của bệnh lý này khi không chỉ ở những phụ nữ đã lập gia đình mà cả các thiếu nữ chưa từng quan hệ tình dục cũng có thể mắc viêm âm đạo.
Song song với nguy cơ sẵn có, những yếu tố liên quan môi trường, đời sống xã hội hay thiếu hụt kiến thức đúng đắn trong việc vệ sinh vùng nhạy cảm cũng như giáo dục giới tính khiến một số dạng bệnh phụ khoa có xu hướng tăng ở các bạn nữ trẻ.
ThS.BS Dương Thị Hải Ngọc, Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em cho biết, bệnh phụ khoa là bệnh nhiễm khuẩn đường sinh dục ở nữ (viêm âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, tử cung, buồng trứng, vòi trứng). Bệnh gặp ở phụ nữ đã có quan hệ tình dục và cả người chưa.
Theo BS Ngọc, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này. Trong đó, yếu tố nội sinh là do sự phát triển quá mức của các vi khuẩn và vi sinh vật có sẵn ở âm đạo (vi khuẩn, nấm...). Ngoài ra, còn do thói quen sinh hoạt, vệ sinh, môi trường, điều kiện sống (đồ lót chật, thói quen vệ sinh không đúng...).
Mất cân bằng nội tiết khi mang thai, sau sinh, tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh, dùng thuốc, chế độ dinh dưỡng, stress… cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Yếu tố ngoại sinh là do vi khuẩn, vi sinh vật xâm nhập vào đường sinh sản qua các thủ thuật can thiệp y tế chưa đảm bảo vô trùng. Quan hệ tình dục không an toàn làm tổn thương âm đạo, cũng tạo điều kiện cho những vi khuẩn, vi sinh vật từ hậu môn, bộ phận sinh dục nam giới đi sâu vào âm đạo phụ nữ và tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.
Chiến dịch "20 triệu phụ nữ phụ khoa đúng cách - Hạnh phúc trọn vẹn" xây dựng chuỗi hoạt động tư vấn, hội thảo truyền thông cách chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi và 25 đến 45 tuổi tại các thành phố trên cả nước.
Bên cạnh đó, chiến dịch còn cung cấp các buổi chia sẻ kiến thức giữa hội viên trong Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.