1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

90% các loại kháng sinh được bán mà không cần đơn thuốc

(Dân trí) - Khảo sát của Bộ Y tế về việc bán thuốc kháng sinh tại các hiệu thuốc ở cả ở nông thôn, thành thị cho thấy: đến 90% các loại kháng sinh bán cho người dân mà không cần đơn thuốc.

Việc tùy tiện sử dụng, lạm dụng kháng sinh làm gia tăng tình trạng kháng thuốc.
Việc tùy tiện sử dụng, lạm dụng kháng sinh làm gia tăng tình trạng kháng thuốc.

Sáng 24/6, tại Lễ ký kết thỏa thuận giữa Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên & Môi trường và các đối tác phát triển tại Việt Nam về phòng chống kháng thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, kháng thuốc là hiểm họa ngày càng lớn đối với sức khỏe con người và nền kinh tế Việt Nam do việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát.

Theo kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh tại các hiệu thuốc ở cả vùng nông thôn, thành thị phía Bắc cho thấy nhận thức về của người dân, người bán thuốc về vấn đề này là rất thấp.

Trong tổng số gần 3.000 nhà thuốc điều tra thì phần lớn kháng sinh được bán mà không cần đơn, trong đó 88% là ở thành thị, 91% ở vùng nông thôn.

Người mua - người bán “hồn nhiên” mua bán thuốc kháng sinh để điều trị bệnh mà không cần đơn của bác sĩ. Trong đó 3 loại kháng sinh được bán nhiều nhất là ampicillin/ammoxicilin, cephalexin và azithromycin.

Ngay tại khu vực bệnh viện, việc sử dụng kháng sinh cũng rất phổ biến. Có những loại thuốc mới đưa vào thị trường Việt Nam chưa đầy 10 năm đã giảm độ nhạy cảm với vi khuẩn.

Nghiên cứu về kháng kháng sinh tại 15 bệnh viện trong giai đoạn 2008 - 2009 cũng cho thấy tỉ lệ kháng thuốc ngày càng tăng lên. Năm 2009 có 30-70% vi khuẩn gram âm đã kháng với cephalosporin thế hệ 3 và 4, gần 40-60%kháng với aminoglycosid và fluoroquinolon.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, kháng thuốc ngày nay là vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển. Năm 2011, toàn cầu có khoảng 640.000 trường hợp lao đa kháng thuốc; khoảng 15% người bệnh được điều trị HIV đã phải dùng đến các thuốc phác đồ bậc 2 và bậc 3 đối với các nhiễm khuẩn kháng. Ký sinh trùng sốt rét Falciparum kháng với artemisinin đang nổi lên ở Đông Nam Á, kháng với chloroquine phổ biến ở hầu hết các nước lưu hành sốt rét. Nhiều chủng vi khuẩn đã kháng nhiều loại kháng sinh kể cả kháng sinh thế hệ mới. Trong khi đó, việc phát triển các kháng sinh mới đã chững lại từ hơn 30 năm nay và chỉ có một vài kháng sinh mới ra đời, trong khi tỷ lệ kháng của vi khuẩn ngày càng gia tăng. Kháng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai.

Việc gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh đã tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt thuốc để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng. Điều này làm cho thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao và chi phí điều trị ngày càng là gánh nặng lên cá nhân, gia đình và xã hội. Đáng báo động hơn khi kháng sinh xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái của chúng ta.

Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” của WHO và xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020.

Trước những mối nguy về tình trạng kháng kháng sinh, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đối tác phát triển tại Việt Nam tổ chức Lễ ký kết Văn bản thỏa thuận cam kết đa ngành về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam. Với thỏa thuận này các bên sẽ cùng nhau hành động trong khuôn khổ kế hoạch hành động Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc; Đưa công tác phòng, chống kháng thuốc là một phần của kế hoạch an ninh y tế toàn câu và tăng cường cách tiếp cận quốc gia “Một sức khỏe” như một cơ chế để kiểm soát việc kháng thuốc trên người và trên động vật; Nâng cao năng lực Quốc gia trong việc đưa ra các bằng chứng và thông tin kịp thời về kháng thuốc, thiết lập và vận hành hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc; Cùng xây dựng và triển khai các chiến lược truyền thông và giáo dục cho cộng đồng về việc sử dụng kháng sinh hợp lý và những hậu quả do kháng thuốc gây ra.

Hồng Hải