90% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá

Hồng Hải

(Dân trí) - Trong khói thuốc lá hàng nghìn hoạt chất gây độc hại cho cơ thể, đặc biệt chất 3-4 benzopyzen là chất gây ung thư rất rõ trong thực nghiệm.

Ung thư phổi là một trong những ung thư đứng hàng đầu và là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các bệnh nhân ung thư ở nam giới. Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20.000 trường hợp tử vong vì bệnh ung thư phổi, đây thực sự là con số đáng báo động.

90% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá - 1

Thuốc lá gây ra 40.000 ca tử vong mỗi năm tại Việt Nam (Ảnh minh họa: Getty).

Bệnh viện K thông tin, nhiều nghiên cứu cho thấy 80% bệnh ung thư phổi gắn với môi trường, chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc lá, điều kiện lao động, nhiễm độc nước, không khí và nếp sống thiếu vệ sinh… Đặc biệt khi có nhiều yếu tố phối hợp với nhau, nguy cơ mắc bệnh càng tăng.

"90% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá. Trong khói thuốc lá hàng nghìn hoạt chất gây độc hại cho cơ thể, đặc biệt chất 3-4 benzopyzen là chất gây ung thư. Cũng có những bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư phổi nhưng họ không hút thuốc, mà có thể họ đã tiếp xúc với một số lượng đáng kể khói thuốc lá do hít khói thuốc thụ động.

Tại Bệnh viện K, ghi nhận không ít những bệnh nhân ung thư phổi đã hút hơn 10 điếu thuốc lá/ngày trong nhiều năm. Cùng với đó, việc hút thuốc lào cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư phổi", TS.BS Nguyễn Khắc Kiểm, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện K cho biết.

 GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hút thuốc lá là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp.  Đặc biệt, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sử dụng thuốc lá gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm, trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động.

Theo bà Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có ít nhất 40.000 người đã bị thuốc lá lấy đi sinh mạng. Cần hành động để giảm số người tử vong sớm này và để đạt được mục tiêu giảm 30% tỷ lệ hút thuốc vào năm 2030.

Theo bà, để thực hiện mục tiêu này, việc tăng thuế và giá thuốc lá là rất quan trọng. Hiện giá thuốc lá ở Việt Nam hiện thuộc loại rẻ nhất trên thế giới. Điều này khiến những người trẻ tuổi dễ tiếp cận và dễ bắt đầu hút thuốc. Hơn nữa giá thuốc lá thấp sẽ làm cho việc bỏ thuốc của những người đang hút thuốc trở nên khó khăn hơn.

Bên cạnh đó cần ngăn chặn, kiểm soát việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới. Các sản phẩm hiện vẫn được bán trên thị trường và quảng cáo theo những cách thức gây hiểu lầm đối với những người trẻ tuổi dễ bị tổn thương.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết công tác phòng chống tác hại của thuốc lá đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, năm 2022, tỉ lệ nam giới hút thuốc lá đã giảm xuống 42,3% (so với 45,3% trong 2015). Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như: nơi làm việc, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà.

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong thanh niên độ tuổi 15-24 giảm từ 26% (năm 2015) xuống 13% (năm 2020). Ở lứa tuổi học sinh 13-15 tuổi, tỷ lệ hút thuốc lá cũng giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới. Đặc biệt những năm gần đây xuất hiện các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng...

"Các tổn thất về sức khỏe và kinh tế do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới gây ra cũng nghiêm trọng không kém các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường, đặc biệt là các hậu quả về sức khỏe đối với thế hệ trẻ", GS Thuấn nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng internet.