90% bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá

Tú Anh

(Dân trí) - Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. 90% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá.

Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu người mắc mới và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi. Năm 2018, Việt Nam có thêm hơn 23.000 người mắc ung thư phổi, con số này có thể sẽ tăng lên vào những năm tiếp theo. Ung thư phổi là một trong những ung thư đứng hàng đầu và là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các bệnh nhân ung thư ở nam giới. Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20.000 trường hợp tử vong vì bệnh ung thư phổi, đây thực sự là con số đáng báo động.

Bệnh viện K thông tin, nhiều nghiên cứu cho thấy 80% bệnh ung thư phổi gắn với môi trường, chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc lá, điều kiện lao động, nhiễm độc nước, không khí và nếp sống thiếu vệ sinh… Đặc biệt khi có nhiều yếu tố phối hợp với nhau, nguy cơ mắc bệnh càng tăng.

90% bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá - 1

"Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. 90% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá. Trong khói thuốc lá hàng nghìn hoạt chất gây độc hại cho cơ thể, đặc biệt chất 3-4 benzopyzen là chất gây ung thư rất rõ trong thực nghiệm. Vì vậy có những bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư phổi nhưng họ không hút thuốc, mà có thể họ đã tiếp xúc với một số lượng đáng kể khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động, hít phải khói thuốc lá trong thời gian dài). Tại bệnh viện K, ghi nhận không ít những bệnh nhân ung thư phổi đã hút hơn 10 điếu thuốc lá/ngày trong nhiều năm. Cùng với đó, việc hút thuốc lào cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư phổi", TS.BS Nguyễn Khắc Kiểm, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện K cho biết.

 Môi trường làm việc: là yếu tố cũng tác động gây bệnh ung thư phổi. Những người tiếp xúc với khói, bụi cũng có nguy cơ cao bị ung thư phổi đặc biệt là trong quá trình luyện thép, ni-ken, crôm và khí than, bụi kim loại.

Tiếp xúc với tia phóng xạ có nguy cơ bị các bệnh ung thư trong đó có cả ung thư phổi. Những công nhân mỏ uranium, fluorspar và hacmatite có thể tiếp xúc với tia phóng xạ do hít thở không khí có chứa khi radon.

Khi bị ung thư phổi, người bệnh thường xuất hiện ho kéo dài. Khó thở, ho có đờm lẫn máu và đau ngực cũng có thể là dấu hiệu chỉ điểm của ung thư phổi. Một thời gian sau bệnh nhân có thể gầy sút, mệt mỏi, thở nông, khàn giọng, khó nuốt, đau xương, thở khò khè và tràn dịch màng phổi.

Để ngăn ngừa ung thư phổi cần tránh xa thuốc lá, khám sức khỏe định kỳ, khám tầm soát phát hiện sớm căn bệnh này. Ngoài ra việc giữ thói quen sinh hoạt khoa học, bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp vận động, tập luyện thể thao đều đặn, cải thiện vệ sinh môi trường nhất là khu công nghiệp và tránh tiếp xúc với khói bụi cũng là biện pháp ngăn ngừa ung thư phổi hiệu quả.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm