9 bài tập phục hồi sau phẫu thuật cắt bỏ vú

Sau phẫu thuật cắt bỏ vú, người bệnh gặp nhiều hạn chế trong cử động vai, cánh tay phía bên bị ảnh hưởng. Nhưng các bài tập có thể giúp bạn lấy lại cảm giác và cử động của cánh tay một cách hợp lý.

Nếu bạn đã trải qua phẫu thuật cắt bỏ vú, bạn sẽ cảm thấy đau và cứng ở cánh tay, cử động khó khăn. Bạn cũng có thể mất cảm giác ở cánh tay bị ảnh hưởng. Lúc này, bạn nên vận động nhẹ nhàng khi tập thể dục, nếu không, bạn có thể làm xấu đi tình trạng của cánh tay. Bạn cũng cần tránh nâng các vật nặng, trừ khi bác sĩ nhận định rằng bạn đã hồi phục hoàn toàn. Các bài tập vừa sức sau đây sẽ giúp bạn lấy lại cảm giác và cử động của cánh tay mà không gây ảnh hưởng xấu.

Bài tập cấp độ 1

Các bài tập được thiết kế để tăng phạm vi chuyển động của vai và cánh tay, giúp cải thiện lưu thông máu.

1. Cuộn vai: Để tay buông thõng bên thân, nhấc vai hướng lên trên, về phía tai, sau đó cuộn mỏm vai theo hướng ngược lại. Lặp lại động tác cuộn vai lên và xuống tối đa 4 lần.

2. Căng khủyu tay: Tư thế ban đầu 2 tay buông thõng theo thân. Sau đó từ từ gập khủyu tay cho đến khi bạn có thể chạm các ngón tay vào vai. Tiếp theo, duỗi thẳng tay trở về tư thế ban đầu. Lặp lại tối đa 4 lần.

3. Tập cổ tay: Đặt khủyu tay và cẳng tay lên trên bàn, bên dưới kê 1 chiếc gối dày. Tập hất và hạ bàn tay trong khi cẳng tay, cổ tay giữ yên - làm 4 lần.

4. Bóp tay: Tay đặt như trong bài 3, co bàn tay tạo thành một nắm đấm; bóp nhẹ, và sau đó thả ra. Lặp lại tối đa 4 lần.

Bài tập cấp độ 2

Bài tập này sẽ giúp tăng cường sức mạnh cho cánh tay, giảm căng tức ở ngực và vai, đồng thời giúp phục hồi phạm vi chuyển động của tay.

5. Căng tay: Nắm hai tay trước ngực, khủyu tay nâng ngang vai. Nhẹ nhàng duỗi thẳng cánh tay về phía trước và hướng ra sau hết mức có thể. Khi bạn kéo cánh tay duỗi thẳng ra sau, đồng thời kéo bả vai ra sau.

6. Nâng cánh tay: Tiếp theo động tác bài 5, trong khi tay vẫn duỗi thẳng, bàn tay nắm chặt, bạn tiếp tục nâng cánh tay lên trên và qua đầu. Sau đó, nhẹ nhàng hạ tay xuống ngang hông. Trong lúc tập, động tác khoan thai, sao cho chuyển động trôi chảy nhất có thể, đặt tay qua đầu tùy theo mức độ thoải mái của bạn. Bạn cũng có thể thực hiện động tác này và các bài tập tương tự cấp độ 2 khi nằm ngửa.

7. Tay trên đầu: Bắt đầu với 2 bàn tay nắm chặt, nhấc chúng lên và đặt lên đỉnh đầu. Tiếp theo, nhẹ nhàng khép hai khủyu tay sát lại với nhau ở trước mặt, sau đó kéo chúng ra xa và lùi về phía sau. Giữ tư thế này trong tối đa 10 giây. Bạn có thể khi thực hiện bài tập này dễ dàng hơn khi nằm trên giường.

8. Tay sau cổ: Đưa hai bàn tay chắp sau gáy và duỗi thẳng cánh tay, khủyu tay hướng về phía sau. Giữ nguyên tư thế trong tối đa 10 giây, giữ thẳng đầu và cột sống.

9. "Leo" tường: Đứng cách tường khoảng 20-25 cm và đặt cả hai lòng bàn tay lên tường. Sử dụng ngón tay của bạn, bò lên tường càng cao càng tốt. Hạ bàn tay xuống, và nhớ đánh dấu điểm cao nhất bàn tay chạm tới trên tường để bạn có thể theo dõi tiến trình của mình trong tương lai.

Bạn cũng có thể giơ cao bàn tay áp lên tường trong 10 - 20 giây. Động tác này sẽ giúp kéo căng các mô sẹo và cải thiện khả năng thoát dịch.

9 bài tập phục hồi sau phẫu thuật cắt bỏ vú - 1

Bài tập aerobic có tác dụng phục hồi sức khỏe sau phẫu thuật cắt bỏ vú (Ảnh minh họa).

Lưu ý khi tập thể dục sau khi phẫu thuật cắt bỏ vú

Trước khi bắt đầu các bài tập sau cắt bỏ vú, hãy nói chuyện với bác sĩ để đảm bảo rằng cơ thể bạn đã sẵn sàng cho việc đó. Bạn cũng nên xin tư vấn hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhà vật lý trị liệu về bất kỳ bài tập nào mà bạn không chắc chắn là an toàn.

Trong trường hợp ngực hoặc cánh tay của bạn bị đau hoặc sưng lên, hãy ngừng tập và liên hệ với bác sĩ để được hỗ trợ.

Nhớ mặc quần áo rộng rãi khi tập thể dục. Và luôn giữ cho cánh tay của bạn hoạt động bằng cách sử dụng nó trong các hoạt động hàng ngày như chải đầu, tạo kiểu tóc, đánh răng...

Các loại bài tập khác

Ngoài các bài tập sau phẫu thuật giới thiệu ở trên, bạn nên tập thể dục thường xuyên để cải thiện sức khỏe tổng thể của mình. Tuy nhiên, bạn chỉ nên bắt đầu các bài tập như vậy từ 4 - 6 tuần sau khi phẫu thuật cắt bỏ vú. Khi thực hiện các bài tập này, bạn cần cân nhắc sức khỏe tổng thể của bạn cũng như bất kỳ căn bệnh nào mà bạn đang mắc phải. Bạn cũng nên tham khảo và thực hiện các bài tập khác để giảm nguy cơ sưng tấy ở cánh tay. Nói chuyện với bác sĩ về nguy cơ phù bạch huyết và các bài tập được khuyến nghị để giảm nguy cơ.

Các bài tập aerobic cũng rất hiệu quả đối với phụ nữ đang hồi phục sau bệnh ung thư vú. Các nghiên cứu chỉ ra rằng giảm cân và duy trì thể lực có thể làm giảm nguy cơ tái phát một số bệnh ung thư. Bạn có thể bắt đầu các bài tập tăng cường sức mạnh bằng cách nâng tạ nhỏ. Sau đó, bạn có thể tăng dần trọng lượng tạ theo thời gian. Để đảm bảo rằng bạn làm điều này đúng cách, hãy tham khảo ý kiến của nhà vật lý trị liệu hoặc bác sĩ của bạn.

Khi nào cần trợ giúp y tế?

Trong thời gian phục hồi, hãy để ý bất kỳ thay đổi nào và hỏi ý kiến bác sĩ trong trường hợp sau:

Bạn bị đau khi tập thể dục hoặc không thể tập được.

Tay bị phù hoặc cảm giác có chất lỏng tích tụ trong cánh tay.

Bạn gặp bất kỳ dấu hiệu sưng tấy nào ở cánh tay, ngực hoặc nách.