75% bệnh truyền nhiễm mới nổi lây từ động vật

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thế giới ghi nhận hơn 200 bệnh lây truyền từ động vật sang người, mức độ lây lan ngày càng tăng. Trong đó, 75% bệnh truyền nhiễm mới nổi lây từ động vật.

Các loại bệnh mới nổi như bệnh hạch từ chuột, Mers-CoV từ lạc đà, ebola được cho là từ loài khỉ, cúm gia cầm... đều là những mối nguy với sức khỏe con người.

Trong 3 thập kỷ qua, thế giới chứng kiến sự xuất hiện liên tục của nhiều bệnh mới nổi nguy hiểm, lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong cao có nguồn gốc từ động vật sang người như: SARS, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), MERS-CoV, Ebola... Ước tính 60% các bệnh của con người, 75% các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguồn gốc từ động vật.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, những bệnh dịch này là mối hiểm họa với sức khỏe con người và tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, chính trị của các quốc gia trên toàn cầu. “Điều này đòi hỏi các nước và mỗi người dân phải nỗ lực hơn nữa nhằm thúc đẩy sự hợp tác trong việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh mới nổi, nguy hiểm, có nguồn gốc từ động vật sang người”, GS Long nói.

Việt Nam cũng được coi là "điểm nóng" của các bệnh truyền nhiễm mới nổi bởi tập quán sống gần gia cầm, vật nuôi. Chưa kể thói quen sinh hoạt, ăn uống (như ăn tiết canh động vật, ăn thịt gia cầm ốm chết...) cũng là những nguy cơ tiềm ẩn làm gia tăng sự lây lan bệnh từ động vật sang người.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng bệnh lan truyền từ động vật sang người thực sự là mối nguy cơ ở tất cả các quốc gia. Sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm mới nổi luôn khiến thế giới lúng túng bởi sự mới mẻ, khó chẩn đoán cũng như điều trị. Thế giới từng xảy ra dịch SARS, hay cúm gia cầm H/H5N1 vẫn hiện hữu, Ebola mới đây hoành hành và gần nhất là MERS – CoV khiến thế giới lo sợ. vật sau đó lây sang người, từ độc lực thấp sang độc lực cao.

“Bởi bệnh lây truyền từ động vật sang người, sau đó lại biến đổi lây truyền từ người sang người, lây từ người sang người nhanh hơn- làm tăng nguy cơ lây lan giữa các quốc gia. Một số lại biến chủng, biến đổi dễ lây lan, tăng độc lực... Cũng vì sự nguy hiểm này mà giờ đây thế giới có khái niệm một sức khỏe, thể hiện sự cam kết của tất cả các ngành, các chính phủ", ông Phu nói.

Theo các chuyên gia, để phòng chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người, điều quan trọng nhất là phải kiểm soát được các bệnh dịch trên động vật, chăn nuôi đúng khoa học, vệ sinh môi trường, chuồng trại, nếu phát hiện có trường hợp mắc bệnh phải thực hiện các biện pháp tiêu hủy theo quy định. Không được giết mổ bừa bãi, thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh, không ăn thức ăn sống hoặc chưa được chế biến kỹ. Người dân sử dụng các phương tiện phòng hộ khi lao động, tiếp xúc với các động vật trong các trang trại hoặc trong thiên nhiên.

Thế giới ghi nhận hơn 200 bệnh lây truyền từ động vật sang người và nguy cơ này sẽ tiếp tục tăng lên, là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Sự xuất hiện của các bệnh lây truyền từ động vật sang người rất phức tạp và do nhiều yếu tố, như sự tiến hóa của hệ sinh thái, sự thích nghi của vi khuẩn, du lịch và thương mại quốc tế, thực hành nông nghiệp, công nghệ và công nghiệp...

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, thực hiện cam kết trong Chương trình An ninh y tế toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực của ngành y tế và ngành nông nghiệp trong việc phát hiện sớm và đáp ứng nhanh với các bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người, tăng cường sự hợp tác mang tính liên ngành, trong nước, trong khu vực cũng như toàn cầu.

                                                                                                                                 Nhân Hà