7 thủ phạm làm tăng nguy cơ mắc loại ung thư nguy hiểm hàng đầu

Minh Nhật

(Dân trí) - Ung thư phổi là một khối mô bất thường, phát triển quá mức và không hài hòa với những tổ chức bình thường kế cận.

Ở giai đoạn đầu, hầu hết trường hợp mắc ung thư phổi đều không có triệu chứng điển hình nên rất khó nhận biết, dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh lý đường hô hấp khác, dẫn đến việc điều trị không đúng phương pháp.

Cho tới khi một số triệu chứng bộc lộ rõ rệt như ho dai dẳng, ho ra máu, khó thở, đau tức ngực… thì phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị trở nên khó khăn hơn. 

Phát hiện sớm ung thư phổi sẽ giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả tối đa. Vì vậy việc phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư phổi luôn được đặt lên hàng đầu. 

Theo Bệnh viện K, nhiều nghiên cứu cho thấy nguyên nhân tác động gây nên bệnh ung thư phổi gắn với môi trường, chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc lá, điều kiện lao động, nhiễm độc nước, không khí và nếp sống thiếu vệ sinh… Đặc biệt khi có nhiều yếu tố phối hợp với nhau, nguy cơ mắc bệnh càng tăng.

ung_thu

Hút thuốc lá là một trong những thủ phạm làm tăng nguy cơ ung thư phổi (Ảnh: Getty).

Thuốc lá, thuốc lào

Ung thư phổi được gây ra bởi nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ, trong đó 80-90% ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá, thuốc lào.

Trong khói thuốc lá có khoảng 4000 hoạt chất gây độc hại cho cơ thể, đặc biệt chất 3-4 benzopyzen là chất gây ung thư rất rõ trong thực nghiệm. Vì vậy có những bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư phổi nhưng họ không hút thuốc, mà có thể họ đã tiếp xúc với một số lượng đáng kể khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động, hít phải khói thuốc lá trong thời gian dài).

Tia xạ

Những người đã từng tiếp xúc, phơi nhiễm phóng xạ làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi hơn những người chưa từng tiếp xúc.

Yếu tố môi trường nghề nghiệp

Các yếu tố môi trường nghề nghiệp như amiang, radon, kim loại (asen, crom, niken), bức xạ ion hóa và hydrocarbon thơm đa vòng cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.

Bệnh xơ phổi

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ ung thư phổi tăng khoảng 7 lần ở những bệnh nhân xơ phổi và dường như không phụ thuộc vào việc hút thuốc.

Nhiễm HIV

Tỷ lệ mắc ung thư phổi ở những bệnh nhân nhiễm HIV tăng so với những bệnh nhân không bị nhiễm.

Yếu tố di truyền

Yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng đến cả nguy cơ và tiên lượng bệnh ung thư phổi.  

Lạm dụng rượu, bia

Những người uống rượu, kèm theo hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Ngược lại, chế độ ăn uống có các chất chống oxy hóa, rau cải, phytoestrogen có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi, nhưng chưa được chứng minh rõ ràng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm