7 món ăn thuốc giúp “trên bảo, dưới nghe”

“Trên bảo dưới không nghe” là câu cửa miệng chỉ những quý ông bị liệt dương. Đây là một rối loạn chức năng tình dục mà bất kỳ người đàn ông nào cũng có thể gặp trong cuộc đời, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý, sức khỏe, hạnh phúc gia đình.

Bệnh biểu hiện bằng các triệu chứng: mất nhiều thời gian mới có thể cương cứng được, sự cương cứng không chắc khỏe như trước, dễ xuất tinh và không có khoái cảm... Dưới đây xin giới thiệu một số món ăn - bài thuốc bổ thận tráng dương, sinh tinh ích khí chữa chứng bệnh này rất hiệu nghiệm.

Bài 1. Cháo thịt chim sẻ: chim sẻ 5 con, làm sạch lông, bỏ nội tạng, xào chín thịt, cho 7 cốc rượu vang, 50g gạo tẻ rồi cho nước vừa đủ ninh cháo. Khi ăn, thêm muối, hành, dầu ăn. Mỗi ngày ăn một bữa. Tác dụng: trị bệnh bất lực, lưng và đầu gối mỏi, đau, tiểu tiện liên tục do thận yếu.

Bài 2. Cháo hạt sen, long nhãn: hạt sen 15g, long nhãn 15g, táo đỏ 5 quả, gạo nếp 100g. Tất cả đãi sạch, cho vào nồi, đổ nước vừa đủ nấu cháo, cháo sắp chín cho long nhãn vào quấy đều, đun tiếp một lát là được. Ăn ngày 1 - 2 lần. Công dụng: bổ tâm, dưỡng huyết, sáp tràng, cố tinh, nhuận táo, bồi bổ sức khỏe, trị liệt dương, di tinh.

Bài 3. Cháo gan gà, dây tơ hồng: tơ hồng 15g, gan gà trống 4 - 5 buồng, gạo lức 100g, gia vị vừa đủ. Tơ hồng gói trong vải, gan gà rửa sạch. Tất cả cho cùng gạo đã vo sạch nấu thành cháo, nêm gia vị vừa ăn. Chia ăn trong ngày. Công dụng: bổ thận gan, ích tinh khí, trị liệt dương, di tinh, tiểu đêm nhiều, đau lưng mỏi gối, thị lực kém.

Bài 4. Canh tôm, thịt dê: thịt dê 250g, tôm nõn 25g, gừng, hành, bột gia vị, hạt tiêu vừa đủ. Rửa sạch thịt dê, luộc chín, thái mỏng, cho vào nồi cùng tôm, gừng, hành, bột gia vị, đổ nước vừa đủ nấu chín nhừ. Ăn kèm trong bữa ăn. Công dụng: ôn thận, bổ dương, trị thận dương hư suy gây liệt dương, xuất tinh sớm, chóng mặt hoa mắt, lưng gối đau mỏi.

Canh tôm thích hợp với nam giới thận dương hư, hoa mắt, chóng mặt
Canh tôm thích hợp với nam giới thận dương hư, hoa mắt, chóng mặt

Bài 5. Nấm hương, mộc nhĩ hầm hải sâm: hải sâm 100g, gừng 5g, tỏi 5g, dầu thực vật 10g, xì dầu 5g, bột gia vị vừa đủ. Nấm hương, mộc nhĩ ngâm trong nước ấm rồi rửa sạch, cắt vụn. Hải sâm ngâm nước ấm khoảng 3 giờ, rửa sạch, cắt lát. Cho dầu thực vật vào xào hải sâm một lát, cho xì dầu, tỏi, gừng đập giập, bột gia vị vào xào trong vài phút, thêm nấm hương, mộc nhĩ và một ít nước, đậy vung đun nhỏ lửa, hầm cho đến khi hải sâm, nấm hương, mộc nhĩ chín nhừ, thêm gia vị vừa ăn. Chia ăn 2 lần trong ngày, ăn liên tục 5 - 7 ngày. Công dụng: bổ thận ích tinh, nhuận táo.

Bài 6. Hải sâm nấu thịt dê: hải sâm 200g, thịt dê 150g, phúc bồn tử 12g, ích trí nhân 12g, nhục quế 6g, gia vị vừa đủ. Hải sâm ngâm mềm, rửa sạch, thái miếng vừa, thịt dê rửa sạch, thái miếng. Cho phúc bồn tử và ích trí nhân sắc bỏ bã lấy nước thuốc, cho thịt dê, hải sâm và nhục quế vào đun nhỏ lửa cho đến khi thịt dê chín nhừ, thêm gia vị là được. Công dụng: bổ thận ích khí, ôn dương, trị chứng liệt dương, tiểu tiện nhiều lần do thận hư.

Bài 7. Tôm, ớt nấu rượu: ớt tươi 100g, tôm nõn 50g, rượu trắng (50 độ trở lên) 200ml. Tôm rửa sạch cho vào xào với ớt, sau đó đổ rượu vào nấu sôi, ăn 1 lần cho hết. Công dụng: bổ thận tráng dương, sinh tinh.

Theo Lương y Nguyễn Đình

Sức khoẻ & Đời sống

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm