7 bức ảnh y học “điên rồ” nhất năm 2013

(Dân trí) - Cùng xem lại những bức ảnh y học ấn tượng “điên rồ” nhất năm 2013.

7. Mười ngón tay, không có ngón cái

7. Mười ngón tay, không có ngón cái
 
Mặc dù có vẻ giống như đã qua Photoshop, song bức ảnh chụp một phụ nữ với 10 ngón tay những không có ngón tay cái này hoàn toàn là thực. Cứ khoảng 25.000 em bé thì có một em bị tật ngón tay cái ba đốt (triphalangeal thumb - TPT) – tình trạng có một ngón tay mọc thừa thay cho ngón cái. Tùy theo mức độ dị tật, chức năng của ngón thứ 5 có thể được tập hoặc mổ tạo hình để cho giống với ngón tay cái.
 
6. Ảnh chụp cắt lớp bàn chân đi giày cao gót

6. Ảnh chụp cắt lớp bàn chân đi giày cao gót
 
Tấm ảnh chụp cắt lớp 3D này là lời nhắc nhở nghiêm khắc về những hậu quả của thời trang đối với xương khớp. Hình ảnh do các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Chỉnh hình Quốc gia ở London (Anh) cho thấy giày cao gót khiến trọng lượng cơ thể bạn mất cân bằng, gây sái khớp và cuối cùng đẩy xương trật khỏi vị trí. Để tránh những tổn thương này, các nhà nghiên cứu khuyến cáo tránh mang giày cao gót trong thời gian quá một vài tiếng.
 
5. Em bé ra đời trong túi ối

5. Em bé ra đời trong túi ối

 
Cho dù thoạt nhìn có thể khiến bạn “phát hoảng”, song rốt cuộc bức ảnh chụp em bé chào đời trong túi ối này là ví dụ điển hình cho sự kỳ lạ mà bản thân cuộc sống vẫn luôn biểu hiện. Aris Tsigiris, một bác sĩ sản khoa Hy Lạp, người đã đưa tấm ảnh này lên mạng hồi tháng Ba, mô tả hiện tượng này là cực kỳ hiếm gặp trong đó em bé được bảo vệ trong chiếc túi ối chứa đầy dịch không vỡ trong tử cung. Hệ quả là người mẹ không bị “vỡ ối” và túi ối phải được xé rách bằng tay. Hiện tượng được gọi là sinh “cả bọc” này chỉ gặp một trường hợp cho mỗi 80.000 ca sinh nở.
 
4. Chân phỏng sinh học điều khiển bằng ý nghĩ

4. Chân phỏng sinh học điều khiển bằng ý nghĩ

 
Vài năm trước, Zac Vawter bị mất chân trong một tai nạn mô tô. Bức ảnh này từ Viện Phục hồi chức năng Chicago (Mỹ) cho thấy chiếc chân phỏng sinh học mới ở bên chân bị cắt cụt – chân rô bốt điều khiển bằng ý nghĩ giúp người mang chuyển đổi “uyển chuyển” giữa các động tác đi bộ, leo cầu thang và lên xuống dốc. Bộ phận này được nối với dây thần kinh của chính bệnh nhân thông qua phẫu thuật phân bố lại dây thần kinh cơ đích, được các nhà nghiên cứu mô tả là cách thay thế an toàn hơn, nhanh hơn và “trực giác” hơn so với công nghệ bộ phận giả truyền thống. Chân phỏng sinh học là sự cải thiện lớn so với chân giả thông thường”, Vawter cho biết. “Chân phỏng sinh học đáp ứng nhanh hơn và chính xác hơn, cho phép tôi tương tác với môi trường giống như cách tôi di chuyển trước khi bị mất chân”.
 
3. Kính thông minh EyesOn

3. Kính thông minh EyesOn
 
Đây là bức ảnh chụp người đầu tiên đeo chiếc kính thông minh EyesOn Glasses, một sáng kiến mang tính đột phá sẽ làm thay đổi hoàn toàn việc chăm sóc và tiêm tĩnh mạch tại giường bệnh, đầu tiên bằng cách cho phép các y tá “nhìn xuyên” qua da bệnh nhân theo đúng nghĩa đen. Thiết bị sử dụng công nghệ hình ảnh 3D đa quang phổ để lấy dữ liệu từ quang phổ không nhìn thấy và phủ nó lên thị trường tự nhiên của người sử dụng. Kết quả? Phối hợp “liền lạc” của thế giới thực và thế giới số cho phép y tá xác định cực kỳ nhanh vị trí ven bằng “mắt thường” để tiêm truyền tĩnh mạch.  
 
2. Chuẩn bị vạt ghép

2. Chuẩn bị vạt ghép

 
Chuẩn bị vạt ghép là một trong những thủ thuật khiến bạn phải hoài nghi kiến thức của mình về cơ thể người. Bức ảnh “kinh dị” này chụp Xiaolian -– một chàng trai 22 tuổi đang trong quá trình phẫu thuật tạo hình mũi kiểu mới. Sử dụng da và sụn lấy từ xương sườn bệnh nhân, các bác sỹ đã “trồng” cho anh một chiếc mũi mới để thay thế chiếc mũi bị mất trong vụ tai nạn xe hơi năm 2012.
 
1. Bé gái có hai đầu

1. Bé gái có hai đầu

 
Bé gái ba tháng tuổi Asree Gul được đưa vào bệnh viện Nangarhar, thành phố Jalalabad, Afghanistan vì một vấn đề bất thường: bé cần được cắt bỏ một đầu. Ca mổ được kíp phẫu thuật của BS. Ahmad Obaid Mojadidi tiến hành đã được thừa nhận là thủ thuật phức tạp nhất từng được thực hiện tại thành phố nghèo đói này. Mặc dù các bác sỹ vẫn chưa biết chắc nguyên nhân khiến chiếc đầu ‘thừa” này phát triển, song có giả thuyết cho rằng đây là di tích còn lại của một bào thai sinh đôi không phát triển đầy đủ hết thời kỳ phôi thai.
 
Cẩm Tú

Theo MedicalDaily