60 nghìn liều vắc xin phòng não mô cầu A, C sắp về Việt Nam

(Dân trí) - Trước thông tin khan hiếm vắc xin ngừa não mô cầu A, C trong khi người dân đang có nhu cầu tiêm ngừa loại vắc xin này, chiều 8/3, đại diện Cục Quản lý Dược cho biết, 60 nghìn liều vắc xin này sẽ về Việt Nam trong tháng 4/2016.

Cục Quản lý Dược cho biết, hiện ở Việt Nam có 2 vắc xin phòng bệnh nhiễm não mô cầu có số đăng ký lưu hành còn hiệu lực (vắc xin Polysaccharide meningococcal A+C) hoặc đã được cấp giấy phép nhập khẩu (vắc xin VA-MENGOC-BC do Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 nhập khẩu). Theo báo cáo của các công ty nhập khẩu, từ tháng 07/2015 đến nay, đã có hơn 90.000 liều vắc xin Polysaccharide meningococcal A+C và 400.000 liều vắc xin VA-MENGOC-BC được nhập khẩu về Việt Nam.

Hiện tại ở khoa của Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 còn tồn gần 150.000 liều vắc xin VA-MENGOC-BC.

Còn với vắc xin ngừa não mô cầu A, C hiện đã hết trên thị trường nhưng đến tháng 4/2016 sẽ có 60.000 liều vắc xin phòng bệnh nhiễm não mô cầu Polysaccharide meningococcal A+C (do Công ty Sanofi Pasteur, Pháp sản xuất) và 100.000 liều vắc xin VA-MENGOC-BC, do Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 nhập khẩu, tiếp tục được cung ứng cho Việt Nam.

Theo Cục Quản lý Dược, để đảm bảo cung ứng đầy đủ vắc xin phòng bệnh nhiễm não mô cầu cho nhu cầu tiêm chủng của nhân dân, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh theo dõi sát diễn biến bệnh trên địa bàn và nhu cầu tiêm chủng của nhân dân để kịp thời chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng lập dự trù, có kế hoạch mua và sử dụng vắc xin với các Công ty nhập khẩu, kinh doanh vắc xin.

Cục cũng đề nghị các Công ty nhập khẩu, kinh doanh vắc xin khi nhận được dự trù của các cơ sở tiêm chủng phải chủ động lập kế hoạch và liên hệ với các đối tác nước ngoài để đặt hàng với mục tiêu cung ứng đủ vắc xin theo nhu cầu của các đơn vị.

Cục Quản lý Dược sẽ cử cán bộ trực để giải quyết các dự trù, đơn hàng nhập khẩu vắc xin đáp ứng nhu cầu đặc thù của cơ sở tiêm chủng theo quy định. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị Sở Y tế và các Công ty liên hệ với Cục Quản lý Dược để được hướng dẫn, giải quyết.

Hồng Hải