50.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 về đến Việt Nam

Nam Phương

(Dân trí) - Ngày mai (6/8), Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế sẽ họp bổ sung thuốc này vào phác đồ điều trị Covid-19.

Ngày 5/8, 50.000 lọ thuốc Remdesivir đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM. Số thuốc này nằm trong 500.000 lọ Remdesivir mà một tập đoàn đặt mua trao tặng cho Bộ Y tế. Số thuốc này do một công ty dược phẩm của Ấn Độ sản xuất, dưới sự cho phép Gilead Sciences, Mỹ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết số thuốc này sẽ được phân bổ cho TPHCM, TP Hà Nội và các tỉnh đang có dịch khác để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

50.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 về đến Việt Nam - 1

Remdesivir là một loại thuốc kháng virus được FDA (Mỹ) cho phép sử dụng trong điều trị Covid-19. 

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho biết, ngày mai (6/8) Cục cùng Hội đồng chuyên môn của Bộ sẽ họp để đưa bổ sung thuốc Remdesivir vào phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19.

Bộ Y tế khuyến cáo, người dân tuyệt đối không tự ý tìm mua và sử dụng thuốc Remdesivir. Chỉ định, liều lượng dùng Remdesivir trên các bệnh nhân phải do bác sĩ tại cơ sở điều trị quyết định.

Remdesivir, một loại thuốc kháng virus vừa được FDA (Mỹ) cho phép sử dụng trong điều trị Covid-19. Hiện hơn 50 quốc gia gồm các nước EU, Mỹ, Australia, Singapore… đang sử dụng thuốc này trong phác đồ.

Remdesivir là thuốc kháng virus phổ rộng, được sản xuất bởi Gilead Science Inc.,  sử dụng dưới dạng truyền tĩnh mạch, thời gian sử dụng thuốc cho một đợt điều trị là 10 ngày.

Theo Sở Y tế TPHCM, Remdesivir được đánh giá dựa trên một phân tích dữ liệu từ một công trình nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát với 1063 bệnh nhân, bắt đầu vào ngày 21/2. Kết quả sơ bộ của công trình nghiên cứu chỉ ra rằng những bệnh nhân sử dụng Remdesivir có thời gian phục hồi nhanh hơn 31% so với những người dùng giả dược.

Cụ thể, thời gian trung bình để phục hồi là 11 ngày đối với bệnh nhân được điều trị bằng Remdesivir so với 15 ngày đối với những người dùng giả dược. Kết quả cũng cho thấy tỷ lệ tử vong là 8% đối với nhóm nhận Remdesivir so với 11,6% đối với nhóm giả dược.