5 quan niệm dinh dưỡng sai lầm khiến người bệnh ung thư tự "rước họa"

Hoàng Lê

(Dân trí) - Nhiều người mắc ung thư cho rằng ăn uống kiêng khem, tránh xa thịt đỏ là tốt hay thực phẩm chức năng trị được bách bệnh. Tuy nhiên, chuyên gia lại không nghĩ vậy.

Tại chương trình tập huấn truyền thông, giáo dục sức khỏe về dinh dưỡng do Câu lạc bộ Điều dưỡng trưởng Việt Nam phối hợp cùng đối tác tổ chức ngày 13/10, các kiến thức về dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư đã được chuyên gia đến từ các bệnh viện lớn chia sẻ đến gần 150 học viên tham dự.

Tầm quan trọng của dinh dưỡng với bệnh nhân ung thư

Theo Globacan (dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế), ước tính năm 2018 trên thế giới có 18,1 triệu ca ung thư mới và 9,6 triệu người tử vong vì ung thư. Tại Việt Nam, 5 loại ung thư hàng đầu ở nam giới là ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng và vòm họng, còn ở phụ nữ là ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng và vú.

TS.BS Lưu Ngân Tâm, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết, bệnh ung thư có ảnh hưởng sâu sắc lên tình trạng dinh dưỡng của người bệnh. Tình trạng biếng ăn phần lớn do khối u gây ra, đặc biệt là các khối u đường tiêu hóa gây tắc nghẽn, hoặc do tác dụng phụ của quá trình điều trị.

5 quan niệm dinh dưỡng sai lầm khiến người bệnh ung thư tự rước họa - 1

Chuyên gia chia sẻ về dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư trong buổi tập huấn (Ảnh: Ban tổ chức).

Bệnh ung thư cũng khiến cơ thể bệnh nhân suy kiệt, bị kém tiêu hóa và hấp thu thức ăn, ăn uống khó, đau khi ăn uống...

Hậu quả là người bệnh bị sụt cân nhiều, gây suy dinh dưỡng, yếu sức hoặc suy kiệt nặng. Thống kê cho thấy, có đến 20% người bệnh ung thư chết do suy dinh dưỡng nặng trước khi chết vì ung thư.

Do đó, vấn đề dinh dưỡng cho bệnh nhân là rất quan trọng, kể cả trong thời điểm trước lẫn sau phẫu thuật. 

Các chuyên gia cho biết, khi người bệnh ung thư có tình trạng giảm bạch cầu, chế độ ăn uống cần đảm bảo vệ sinh, thực phẩm phải sạch, ăn chín, uống nước chín. Đồng thời, hạn chế tiếp xúc nhiều người để giảm nguy cơ bị lây bệnh như cúm.

Khi bệnh nhân ung thư đã ở giai đoạn ổn định sau mổ, cần ăn như bình thường và đa dạng thức ăn. Bệnh nhân được khuyến cáo thường xuyên ăn thịt trắng như cá, gia cầm, trứng (2 trứng/tuần)... hoặc đậu đỗ. Đồng thời, nên dùng thường xuyên dầu ăn, như dầu phộng, cải, mè.

Bên cạnh đó, cần tập luyện thể chất đều đặn, với thể loại và cường độ phù hợp theo tuổi, tình trạng sức khỏe. Tránh để thừa cân và béo phì.

Quan niệm sai lầm về dinh dưỡng ung thư

Chuyên gia khuyến cáo, có 5 quan niệm sai lầm về dinh dưỡng ung thư mà bệnh nhân cần tránh.

Thứ nhất, ăn thật kiêng khem (ăn rất ít, gần như đói hay chỉ ăn toàn gạo lứt, muối mè trong thời gian dài để khối u bị đói, không phát triển thêm). TS.BS Ngân Tâm khẳng định, chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh kiểu ăn kiêng khem có tác dụng làm khối ung thư nhỏ lại hoặc không di căn. Ngược lại, ăn quá ít trong thời gian dài làm cho cơ thể thiếu năng lượng, dần dần suy kiệt và có thể tử vong.

Thứ hai, ăn hay uống thực phẩm chức năng với suy nghĩ có thể khỏi "bá bệnh", từ đó không cần điều trị ung thư. Bác sĩ cho biết, chất dinh dưỡng không thể ngăn chặn sự phát triển của ung thư nên không thể điều trị khỏi bệnh. Dù vậy, dinh dưỡng đúng cách có tác dụng điều trị tình trạng suy dinh dưỡng, tăng miễn dịch, tăng cường thể chất cho người bệnh.

5 quan niệm dinh dưỡng sai lầm khiến người bệnh ung thư tự rước họa - 2

Bác sĩ khẳng định, ăn uống kiêng khem để khối u không phát triển là quan niệm sai lầm (Ảnh: Ban tổ chức).

Thứ ba, nhiều người cho rằng việc kiêng hoàn toàn thịt đỏ (heo, bò...) sẽ giảm cung cấp máu (chứa vitamin B12, sắt) cho khối u phát triển. Sự thật là vitamin B12 hay sắt không chỉ có trong thịt đỏ mà còn có nhiều trong đạm động vật khác. Trong khi đó, kiêng khem các thực phẩm này có thể gây ra thiếu đạm, cản trở quá trình lành vết thương, giảm khả năng phòng ngừa nhiễm trùng.

Thứ tư, không ăn thực phẩm hay uống thức uống giàu vitamin C sau mổ để tránh vết mổ "chảy nước vàng". Quan niệm này được khẳng định không đúng, vì vitamin C giúp phát triển collagen, tăng cường sức đề kháng và thúc đẩy nhanh quá trình liền vết mổ.

Thứ năm, từ chối không uống sữa dinh dưỡng có chất lượng với suy nghĩ để khối u không phát triển thêm. Nhưng theo chuyên gia, việc bổ sung sữa giàu năng lượng và các chất dinh dưỡng là cần thiết, vì sẽ giúp người bệnh phục hồi hay tránh bị suy dinh dưỡng nặng thêm, góp phần cải thiện kết quả điều trị, nâng cao chất lượng sống.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm