Ông Đỗ Lê Huấn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, ngày 7 - 8/5, Trung tâm đã phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ lấy 5 mẫu thịt chó ngay sau khi chó được mổ ra tại 4 lò mổ ở xã Dương Nội để làm xét nghiệm. Ngoài ra cũng lấy một mẫu phân chó. Kết quả cho thấy, cả 5 mẫu thịt chó dương tính với khuẩn phẩy tả, chỉ có mẫu phân là âm tính.
Thịt chó là thực phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn tả cao, vì thế cần mua sản phẩm có nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh và nấu chín khi ăn (Ảnh: H.Hải)
Trong 5 mẫu thịt chó dương tính, có 3 mẫu vừa mổ xong mang ra bày bán, còn 2 mẫu là ngoáy hậu môn. Như vậy, là có khuẩn tả trong đường ruột, phân chó. Theo TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, đây là một phát hiện mới vì từ trước đến nay chưa thấy khuẩn tả trong đường ruột của chó mà chỉ phát hiện khuẩn tả ở trên thịt chó bày bán (có thể nhiễm từ môi trường). Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế, việc phát hiện khuẩn tả ở đường ruột chó rất có ý nghĩa trong việc xác định hướng phòng dịch.
182 bệnh nhân tiêu chảy cấp nghi tả nằm rải rác ở 19/29 quận, huyện, ở 117/577 xã, phường thị trấn. Trong đó, nhiều nhất là các quận Đống Đa (26 ca), Thanh Xuân (20 ca), Hà Đông (20 ca), Cầu Giấy (19 ca), Từ Liêm (15 ca). Theo ông Đỗ Lê Huấn, về dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm năm nay, vi khuẩn gây tiêu chảy cấp không có gì thay đổi so với năm 2008 nhưng vì Hà Nội sát nhập thêm tỉnh Hà Đông, địa bàn rộng hơn rất nhiều, nên chắc chắn, số ca tiêu chảy cấp sẽ nhiều hơn. |
Qua kiểm tra, nguồn nước mà các hộ gia đình này sử dụng là nước giếng khoan có độ sâu từ 12 - 50m, hút nước lên bể lọc rồi sử dụng. Kết quả xét nghiệm nguồn nước này là âm tính. Tuy nhiên, trong quá trình chế biến, nếu chó nhiễm khuẩn tả, thì khi rửa lòng, làm thịt... khuẩn tả sẽ theo nước lan ra môi trường. Vì thế, cùng với kiểm tra, Trung tâm Y tế dự phòng đã tiến hành khử khuẩn nguồn nước tại khu vực này.
Mỗi cơ sở này giết mổ 10 - 20 con/ngày, cung cấp thịt chó sống cho một số nơi ở Hà Nội như Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh, Nhật Tân, Mai Động, phố Hàng Than... Theo người dân địa phương, số chó giết thịt được lấy ở Hậu Lộc, Thanh Hóa. Một đoàn của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đã vào Thanh Hóa để tiếp tục điều tra.
Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cũng lấy 25 mẫu nước ở 18 ao hồ trên địa bàn thành phố, 55 mẫu nước sạch ở khu vực có bệnh nhân tả, kết quả đều âm tính.
Dù thịt chó có nguy cơ nhiễm khuẩn tả cao nhưng ông Tuấn cũng khẳng định: "Phát hiện thịt chó nhiễm khuẩn tả nhưng không có nghĩa là người dân không được ăn thịt chó. Nếu ăn thịt chó đảm bảo nguồn gốc, có kiểm dịch thú y, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, nấu chín thì vẫn an toàn. Trên thực tế, tất cả các sản phẩm thực phẩm ô nhiễm, không riêng gì thịt chó đều có nguy cơ gây bệnh tiêu chảy.
Theo điều tra dịch tễ, 182 ca tiêu chảy cấp nguy hiểm nghi ngờ tả tại Hà Nội (tính từ ngày 15/4 đến nay) cho thấy 54 - 70% bệnh nhân là có liên quan đến thịt chó. Ngoài ra, có bệnh nhân ăn hàng quán, bún, bánh mỳ... Điều này cho thấy, mọi thực phẩm ô nhiễm đều có nguy cơ. Vì vậy, việc coi trọng an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi là vô cùng quan trọng”.
Đình chỉ ngay cơ sở kinh doanh mất vệ sinh Ông Tuấn cho biết, trước mắt, Sở Y tế đã đề nghị đình chỉ 4 cơ sở kinh doanh, giết mổ thịt chó này. Chỉ khi nào có đầy đủ các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, nguồn thịt chó được kiểm dịch, có nguồn gốc... thì mới được kinh doanh trở lại. Ban chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm của Thành phố cũng yêu cầu tất cả các cơ sở kinh doanh, giết mổ thịt chó đều phải tuân thủ các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo thịt chó có nguồn gốc, an toàn khi lưu thông. Nếu thịt chó không có kiểm soát thú y, mất vệ sinh sẽ đình chỉ ngay cơ sở kinh doanh mất vệ sinh, phạt không cho tồn tại. Đây là một điểm mới so với những năm trước, khi phát hiện đều phạt yêu cầu củng cố, nếu tái phạm mới đình chỉ. |
Hồng Hải