5 kiểu ăn cần tránh nếu không muốn ung thư "ghé thăm"
(Dân trí) - Các món chiên rán, dưa cà muối, cá muối, thịt chế biến sẵn… là các dạng đồ ăn dễ liên quan tới việc hình thành các tổn thương ác tính. Nếu có thể, bạn hãy hạn chế sử dụng để cơ thể khỏe mạnh hơn.
Các món chiên rán
Những đồ ăn có hàm lượng chất béo bão hòa (chất béo xấu) cao, nếu dung nạp một thời gian dài sẽ gây tăng cân, béo phì. Đặc biệt, các dạng đồ ăn này được xếp vào nhóm 2 theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về khả năng gây ung thư.
Ăn dưa muối, cà muối
Theo ThS.BSCKII Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K, món dưa, cà muối vừa có nồng độ muối cao, vừa có khả năng sản sinh thành nitrat trong quá trình lên men. Chất này chính là tác nhân gây nên một số loại ung thư như ung thư dạ dày, đại trực tràng, vòm mũi họng…
Đáng chú ý, các loại dưa muối xổi được chuyên gia cảnh báo là có nguy cơ cao hơn dưa muối nén truyền thống.
Ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn
Thịt chế biến sẵn là thịt đã được biến đổi qua quá trình ướp muối, xử lý, lên men, hun khói hoặc các quy trình khác để tăng hương vị, cải thiện khả năng bảo quản. Ví dụ như xúc xích, dăm bông, thịt bò khô, thịt đóng hộp và các chế phẩm làm từ thịt và nước sốt.
Thịt chế biến sẵn được xếp vào nhóm 1 các thực phẩm có nguy cơ gây ung thư theo WHO từ năm 2015. Mức độ nguy hiểm này tương đương với hút thuốc lá. Rất nhiều người bệnh ung thư đường tiêu hóa có thói quen sử dụng nhiều các loại thịt chế biến sẵn, BS Nam cho biết.
Nghiên cứu bởi Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới năm 2007 và 2011 đã kết luận tiêu thụ nhiều thịt đỏ chưa qua chế biến và thịt chế biến sẵn làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Cứ tăng 50g tiêu thụ thịt chế biến sẵn hàng ngày làm tăng nguy cơ gây ung thư lên 18%, tăng 100g tiêu thụ thịt đỏ chưa chế biến hàng ngày tăng nguy cơ ung thư lên 17%.
Cá muối
Theo BS Nam, các nước châu Á có thói quen ăn đồ muối mặn, trong đó có cá muối. Tuy vậy, chính các đồ ăn này lại được xếp vào nhóm đồ ăn có nguy cơ cao gây ung thư vòm, ung thư họng miệng.
Các món ăn quá nóng
Nhiệt độ cao sẽ làm thay đổi niêm mạc của vùng hầu họng, khoang miệng, thực quản, đường ruột. Thậm chí, nó còn có thể gây ra những biến đổi ác tính của các cơ quan trên, từ đó các khối u ác tính sẽ hình thành.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ăn quá nóng hay quá lạnh cũng đều không tốt và gây tổn hại tới đường ruột cùng các bộ phận trong cơ thể.
Ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng việc dùng đồ ăn nóng và căn bệnh ung thư vùng miệng, ung thư đường ruột là có liên quan với nhau. Đó là bởi vì vách ngăn đường ruột tương đối mỏng, thường chỉ có thể chịu được nhiệt độ thức ăn từ 50 đến 60 độ C. Vượt qua ngưỡng nhiệt độ này thì vách ngăn này sẽ bị tổn thương.
Khi nhiệt độ của thức ăn lên tới khoảng 70 đến 80 độ C, đặc biệt là khi chúng ta uống trà, nhiệt độ này có thể lên tới 90 độ C sẽ có thể gây tổn thương nặng nề cho đường ruột.