45% người Việt không đi khám mà tự ý mua thuốc tại quầy vì “tiện đường”
(Dân trí) - Khi được hỏi lý do vì sao lại tự ý mua thuốc mà không đến khám bác sĩ, 32% người tiêu dùng trả lời vì đã hiểu về bệnh và nhu cầu của mình; 15% trả lời là do ngại tốn thời gian và thủ tục ở bệnh viện/cơ sở khám bệnh; 45% câu trả lời là do thói quen và tiện đường di chuyển, gần nhà.
Ngày 20/12/2019, tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện Diễn đàn Marketing & Sale lớn nhất ngành dược PMASS 2019.
Đây là lần đầu tiên, một diễn đàn lớn nhất về Marketing & Sale dành riêng cho ngành dược phẩm được tổ chức với chủ đề “Giải mã kinh doanh dược phẩm trong thời đại số”, để mang đến cái nhìn tổng quan cho ngành dược ở thời điểm hiện tại, cùng những cơ hội, thách thức và giải pháp thay đổi để thành công trong thời đại số 4.0 hiện nay.
Tại sự kiện, diễn giả Đặng Thúy Hà đánh giá, ngoài sự thay đổi của công nghệ trong thời đại số, sự thay đổi của hành vi khách hàng cũng là điều đáng lưu ý để các doanh nghiệp tìm ra lối đi phù hợp, hiệu quả nhất cho mình. “Hiểu được hành vi khách hàng trong kỷ nguyên số có nghĩa là bạn đã đi đúng hướng và sẽ ứng dụng thành công trong mô hình kinh doanh của mình”, bà Hà nói.
Đáng chú ý, tại Diễn đàn, các chuyên gia đều nhấn mạnh vấn đề người Việt mất lòng tin vào thuốc Việt, do chính những loại thuốc kém chất lượng, những quảng cáo thuốc mang tính chất lừa đảo, thổi phồng chức năng tràn lan trên mạng xã hội, chính là một trong những thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp dược uy tín trong thời đại số.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có 200.000 người chết vì thuốc giả và thuốc kém chất lượng. Quý I năm 2018, Cục quản lý Dược, Bộ Y tế đã công bố danh sách 51 cơ sở sản xuất thuốc nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng.
Bên cạnh đó, việc người tiêu dùng Việt có thói quen mua thuốc không cần đến bác sĩ và dược sĩ tại quầy thuốc bán thuốc không cần đơn cũng là một thực trạng đáng quan ngại được đề cập tại Diễn đàn năm nay.
“Khi được hỏi lý do vì sao lại tự ý mua thuốc mà không đến khám bác sĩ, 32% người tiêu dùng trả lời vì đã hiểu về bệnh và nhu cầu của mình; 15% trả lời là do ngại tốn thời gian và thủ tục ở bệnh viện/cơ sở khám bệnh; 45% câu trả lời là do thói quen và tiện đường di chuyển, gần nhà”, bà Hà cho biết.
Minh Nhật