45 ngày dịch, 15 y bác sĩ TPHCM đến tận nhà ứng cứu gần 1.200 bệnh nhân
(Dân trí) - "Không có ngày nghỉ... Có những lúc chúng tôi phải đi bộ hàng trăm mét và thậm chí chui rào để đến nhà người bệnh" - bác sĩ nhớ lại những ngày hết lòng vì bệnh nhân trong tâm dịch Covid-19.
Tại hội nghị Khoa học kỹ thuật năm 2021 vừa diễn ra tại Bệnh viện (BV) Lê Văn Thịnh (BV Quận 2 cũ, TP Thủ Đức), nhiều mô hình phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả đã được báo cáo. Trong đó có hoạt động khám, điều trị bệnh lý nền và hỗ trợ tiêm ngừa tại nhà trong giai đoạn giãn cách do Covid-19.
Nguy cơ tử vong vì không thể đến bệnh viện
Bác sĩ Nguyễn Duy Tài, Phó Giám đốc BV Lê Văn Thịnh nhớ lại, thời điểm tháng 6 khi dịch bệnh ở TPHCM trở nên căng thẳng, nhiều khoa, phòng của BV phải chuyển đổi công năng để điều trị bệnh nhân F0 nhưng vẫn luôn trong tình trạng "thừa người thiếu chỗ".
Theo bác sĩ Tài, trước đây, mỗi ngày BV Lê Văn Thịnh tiếp nhận từ 2.000-2.500 bệnh nhân đến khám và điều trị. Trong đó tỷ lệ người bệnh cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận, suy tim, sau tai biến, thoái hóa khớp rất cao.
Nhưng khi TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, 16 của Chính phủ, những bệnh nhân có bệnh mạn tính này không thể đến BV để thăm khám định kỳ và nhận thuốc. Họ là những đối tượng có nguy cơ cao bệnh nặng và tử vong nếu mắc Covid-19.
Trước hoàn cảnh trên, ngày 2/9, BV Lê Văn Thịnh đã thành lập đội khám, điều trị bệnh lý nền và hỗ trợ tiêm ngừa tại nhà, với 15 cán bộ nhân viên y tế. Đội được chia thành 3 tổ, mỗi buổi sáng, lúc 8 giờ bắt đầu làm việc, đi đến từng hộ gia đình theo danh sách đăng ký được Phòng Công tác xã hội tiếp nhận từ cổng thông tin điện tử TP Thủ Đức, facebook và hotline.
"Trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều con đường, hẻm đều bị rào chắn hoặc giăng dây, việc tiếp cận người bệnh thật không dễ dàng… Có những lúc chúng tôi phải đi bộ hàng trăm mét và thậm chí chui rào để đến nhà người bệnh.
Đến nơi, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là các cụ cao tuổi, đi lại khó khăn hoặc không thể đi lại được đang ngồi đợi đoàn y bác sĩ đến để được thăm khám" - TS.BS Lê Thanh Toàn, một trong những thành viên của đội "ứng cứu" bệnh nhân tận nhà kể.
45 ngày, gần 1.200 bệnh nhân được ứng cứu tận nhà
Không có ngày nghỉ trong tuần, mỗi buổi sáng, lúc 7h tất cả thành viên 3 tổ họp lại, nhận danh sách người bệnh, phân chia bệnh theo đúng chuyên môn và sau đó nhanh chóng lên đường làm nhiệm vụ.
"Có những bệnh nhân sống trong hẻm sâu, đường đất trơn trợt, trời mưa tầm tã, chúng tôi phải sắn quần đến ngang gối, đi bộ gần một cây số để đến tận nhà. Có những gia đình nuôi hàng chục con chó, chúng vây quanh tạo nên một bầu không khí thật căng thẳng.
Hay trường hợp của cô Nguyễn Thị B. (cư ngụ tại phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) bị tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, tăng lipid máu, Parkinson nhưng không có thuốc uống 20 ngày nên bệnh trở nặng. Cô không thể tự cầm bất cứ vật dụng gì. Sau khi được chúng tôi thăm khám và phát thuốc.
Sau 28 ngày khi chúng tôi trở lại tái khám, cô đã tự đón tiếp và điều bất ngờ nhất đã tự chăm sóc được cho bản thân mình" - nhân viên y tế nhớ lại những kỷ niệm mùa dịch.
Ông Trần Quang Châu, Trưởng phòng Công tác xã hội của BV chia sẻ, thành quả thu được sau 45 ngày thực hiện sứ mệnh của đội (từ ngày 2/9 đến ngày 16/10) là gần 1.200 bệnh nhân được hỗ trợ kịp thời, tỷ lệ người cao tuổi từ 75 trở lên chiếm khoảng 70%. Đặc biệt, trong số đó có 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, có người đã 100 tuổi.
Việc thăm khám, điều trị tận nhà miễn phí cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người khuyết tật, thai phụ không thể đến BV… trong mùa dịch Covid-19 của BV Lê Văn Thịnh là một việc làm chưa từng. Hoạt động này rất hữu ích trong thời gian giãn cách toàn xã hội, đem lại hiệu quả cao trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.