4 loại virus, vi khuẩn gây ung thư bạn cần biết để tránh

(Dân trí) - Virus EBV liên quan đến ung thư vòm họng, ung thư hạch lympho, trong khi đó virus gây u nhú HPV gây ung thư cổ tử cung, vi khuẩn HP liên quan đến ung thư dạ dày.

Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) có một số virus, vi khuẩn có thể gây ung thư.

Cụ thể:

Virus Epstein – Barr (EBV)

Virus này liên quan đến ung thư vòm mũi họng, ung thư hạch lympho. Các trường hợp ung thư này gặp nhiều ở các nước châu Á và châu Phi.

Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa hoa nhận thấy bệnh ung thư vòm họng có liên quan đến virus Epstein-Barr (EBV). Xét nghiệm kháng thể chống virus này tăng cao ở một số bệnh nhân ung thư vòm họng loại biểu mô không biệt hóa. Ngoài ra, ADN virus này có trong nhân các tế bào ung thư.

4 loại virus, vi khuẩn gây ung thư bạn cần biết để tránh - 1

Virus viêm gan B

Virus viêm gan B là nguyên nhân gây ung thư gan nguyên phát. Việc phát hiện ra virus viêm gan B là nguyên nhân quan trọng gây ung thư gan đã mở ra hướng phòng bệnh hữu hiệu bằng cách tiêm chủng phòng bệnh viêm gan B.

Ở Nhật Bản, Việt Nam và một số nước châu Á và châu Phi, 80-90% các bệnh nhân ung thư gan phát triển từ xơ gan do viêm gan virus B, C mạn tính.

Những người mắc viêm gan B có nguy cơ bị ung thư gan cao gấp khoảng hơn 200 lần so với người không mắc viêm gan B. Có khoảng 15-20% các trường hợp xơ gan do nhiễm virus viêm gan B biến chứng thành ung thư gan.

Hiện nay, chưa có văcxin phòng viêm gan C nhưng đã có văcxin phòng viêm gan B.

Virus gây u nhú ở người (Papiloma Human Virus - HPV)

HPV là nguyên nhân gây đến 70% ung thư tử cung ở nữ. Virus này lây truyền qua đường tình dục. Bệnh có tỷ lệ mắc cao ở phụ nữ có quan hệ tình dục sớm, đẻ nhiều hoặc có nhiều bạn tình.

Bình thường, HPV có hơn 100 type nhưng 14 type có nguy cơ cao gây ra loại ung thư này. HPV 16 và HPV 18 là 2 chủng có khả năng gây ung thư cổ tử cung cao nhất. Chúng được tìm thấy ở 70% trong tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung.

Người ta ước tính khoảng 80% phụ nữ có một lần nhiễm HPV trong suốt cuộc đời họ. Khoảng 50% trường hợp nhiễm HPV đó là nhóm nguy cơ cao gây ung thư. 

Trong năm 2018, Việt Nam có khoảng gần 4.200 ca mắc mới ung thư cổ tử cung và có hơn 2.400 ca tử vong vì căn bệnh này. 

Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP)

HP là loại vi khuẩn có vai trò quan trọng gây viêm loét dạ dày - tá tràng và ung thư dạ dày. Đây cũng là một loại ung thư khá phổ biến ở Việt Nam và một số nước châu Á khác.

Có lẽ xoắn khuẩn HP là loại vi trùng duy nhất sống được trong môi trường dạ dày nơi có đậm độ axit HCL rất cao với pH lúc đói đạt tới 2,5. Người ta đã nghiên cứu và thấy rằng HP chui sâu vào lớp nhầy của niêm mạc dạ dày đồng thời tiết ra các chất làm trung hòa axit HCL cũng như làm tan chất nhầy. Qua HCL, Pepsin và các men của HP cũng như các chất gây ung thư tiếp xúc trực tiếp với các tế bào lớp niêm mạc dạ dày gây tổn thương chúng.

Viêm teo niêm mạc, viêm niêm mạc dị sản tuýp ruột là những tổn thương điển hình của niêm mạc dạ dày do HP gây nên. Một số tác giả coi viêm niêm mạc dạ dày dị sản tuýp ruột là tiền ung thư.

Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư thường gặp ở cả hai giới. Theo Globocan 2018, tại Việt Nam có thêm 17.527 ca mắc mới và 15.065 người tử vong vì căn bệnh này. Ung thư dạ dày đứng thứ 3 trong các bệnh ung thư thường gặp.

Hà An