Trung Quốc:
33% bao cao su là dởm
(Dân trí) - Bao cao su đơn giản là phương tiện phòng tránh thai và các bệnh lây qua đường tình dục. Nhưng ở Trung Quốc, dùng bao cao su lại dẫn tới nhiều hiểm họa khôn lường bởi sự lan tràn của các loại bao cao su giả thương hiệu nổi tiếng.
Bao cao su giả thường mang các thương hiệu nổi tiếng
Trở lại vụ việc hồi tháng 7 năm ngoái, cảnh sát đã đột kích vào một cơ sở chuyên sản xuất bao cao su giả và không có nhãn mác. Trong cơ sở rộng 24m2 này, những người công nhân cởi trần, bốc những bao cao su nhúng vào thùng dầu thực vật (thay cho chất bôi trơn) nhằm tăng tính trơn trượt và độ bóng cho sản phẩm và hoàn toàn không tiệt trùng sản phẩm khi đóng gói; nhiều bao cao su nằm rải rác trên sàn nhà dơ bẩn.
Chủ cơ sở sản xuất thừa nhận đã sản xuất 2,16 triệu bao cao su “bẩn” và thu tại chỗ 40.000 hộp bao cao su mang các nhãn hiệu: Jissbon, Durex, Rough Rider, “Six Sense”, “Love Card” và “NOX”. 1,62 triệu bao cao su đã được bán, thu về số tiền 5360.000 tệ (tương đương với 78.511 đô la Mỹ).
“Đây là vụ sản xuất và kinh doanh bao cao su giả lớn nhất ở tỉnh Hà Nam. Chúng tôi đã phát hiện đường dây này vươn tới cả tỉnh Quảng Đông”, một quan chức cảnh sát cho biết.
Hầu hết các loại bao cao su giả này đều được bán trên mạng (online) hoặc được chuyển tới nhiều thành phố của Trung Quốc (trong đó có Bắc Kinh) và các nước Đông Nam Á.
Trung Quốc là một trong 4 thị trường lớn nhất thế giới về bao cao su nhưng các nhà chức trách ước tính, 1/3 số bao cao su bán ở nước này là hàng giả (mỗi năm tiêu thụ hơn 2 triệu bao cao su).
Theo khuyến cáo của các nhà chức trách: cách tốt nhất để tránh mua phải bao cao su giả, chỉ mua sản phẩm tại các siêu thị và cửa hàng thuốc uy tín.
Nhân Hà
Tổng hợp