30 phút "nghẹt thở" giành giật sự sống cho bệnh nhân tim ngừng đập
(Dân trí) - "Bệnh nhân mất sóng mạch, sóng SpO2", bác sĩ gấp gáp đưa tay lên cổ bắt mạch rồi nói tiếp: "Mạch yếu dần, bệnh nhân có thể sắp ngưng tim".
13h, tín hiệu cảnh báo của máy monitor tại giường số 5, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Giải Phóng (Hà Nội) vang liên hồi.
Các bước chân rầm rập của các y bác sĩ lao về phía giường bệnh.
"Oxy đang tụt, SpO2 chỉ còn 84%, huyết áp ổn, mạch vẫn còn", ThS.BS Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực xác định nhanh các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân, nhanh chóng chỉ định nữ điều dưỡng nâng mức hỗ trợ oxy của máy thở.
Trên giường bệnh, người đàn ông 86 tuổi gắn chằng chịt các loại thiết bị để duy trì sự sống.
Cách đây 3 ngày, bệnh nhân được chuyển đến từ Hải Dương trong tình trạng suy hô hấp. Theo bệnh án, người đàn ông này có bệnh nền phổi tắc nghẽn mãn tính rất nặng, từng 2 lần tai biến và đã nhiều năm nằm liệt giường.
"Ông ơi! Ông nghe thấy gì không!", mặc cho sự lay gọi của bác sĩ, bệnh nhân lịm dần đi.
"Đồng tử giãn, bệnh nhân đã rơi vào hôn mê", BS Phúc trầm giọng, bày tỏ sự lo lắng vì vừa sáng nay bệnh nhân vẫn đáp ứng, cử động khi được gọi hỏi.
Sau khi rơi vào tình trạng hôn mê, bệnh nhân nhanh chóng được chỉ định chụp CT. Việc này giúp kiểm tra các vấn đề (nếu có) trong não như: xuất huyết, nhồi máu não cấp hay tình trạng phù não cấp tính.
2 y bác sĩ nhận nhiệm vụ di chuyển giường bệnh nhân đến phòng chụp CT, trong lúc đó BS Phúc cùng các đồng nghiệp kiểm tra lại các bản cập nhật tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trước đó, cũng như các loại thuốc đã được sử dụng, để truy tìm căn nguyên khiến người đàn ông này bất ngờ hôn mê.
"Mọi việc phải được thực hiện thật chính xác nhưng cũng đòi hỏi tốc độ bởi với các bệnh nhân đã vào Khoa Hồi sức tích cực, ranh giới sống - chết là rất mong manh. Một chỉ định thuốc không phù hợp hay vài phút chậm trễ có thể đánh đổi bằng tính mạng của bệnh nhân", BS Phúc chia sẻ.
14h45, tín hiệu báo động lại một lần nữa vang lên tại giường bệnh số 5 cảnh báo điều chẳng lành.
Trên màn hình máy monitor, khu vực hiển thị chỉ số SpO2 và nhịp tim liên tục chớp nháy. "Bệnh nhân mất sóng mạch, sóng SpO2", BS Phúc nói gấp, đưa tay lên cổ bắt mạch bệnh nhân rồi nói tiếp: "Mạch yếu dần, bệnh nhân có thể sắp ngưng tim".
Từ phía hành lang vọng lại tiếng những bước chân cấp tập. 8 y bác sĩ ngay lập tức có mặt xung quanh giường bệnh để sẵn sàng hỗ trợ sau "báo động đỏ".
14h54, bệnh nhân ngưng tim. Liên tiếp các y lệnh được thực hiện để phục vụ cho cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp: thiết lập máy điện tim, chuẩn bị adrenaline (thuốc trợ tim), dịch truyền, dụng cụ y tế.
Ngay sau khi điện cực của máy điện tim được kết nối lên cơ thể bệnh nhân, nữ bác sĩ lồng 2 tay vào nhau ép mạnh liên hồi lên ngực bệnh nhân.
Sau hơn 100 nhịp, BS Phúc thay phiên ép tim ngoài lồng ngực, 2 liều adrenaline cũng đã được tiêm. Thế nhưng bệnh nhân vẫn chưa có tiến triển. Một nhân viên y tế, cùng lúc, được giao nhiệm vụ thông báo cho người nhà bệnh nhân về tình trạng khẩn cấp để chuẩn bị tinh thần.
Bầu không khí trong căn phòng căng như dây đàn. Mọi sự chú ý được dồn về màn hình máy điện tim trông chờ một tín hiệu của sự sống.
"Có mạch trở lại rồi!", nam bác sĩ vừa thay phiên ép tim cho BS Phúc hô lớn.
48; 51; 109… nhịp tim trên màn hình tăng dần kéo theo niềm hy vọng sống của bệnh nhân. Chỉ trong chưa đến nửa giờ đồng hồ, người đàn ông tưởng chừng đã đi trọn một vòng sinh tử.
Sau khi tim đập trở lại, bệnh nhân tiếp tục được truyền canxi, magie và các loại thuốc để có thể giữ mạch.
"Với bệnh nhân ngưng tim, bên cạnh ép tim chúng tôi phải giải quyết được nguồn gốc của tình trạng ngưng tim. Trong trường hợp này, bệnh nhân ngưng thở, tăng kali máu, toan hóa nên dẫn đến ngừng tuần hoàn. Do đó, chúng tôi phải điều chỉnh các thông số về máy thở, cho các thuốc liên quan tình trạng kali máu tăng để đảo ngược tình trạng", BS Phúc phân tích.
Bệnh nhân được cứu sống, nhưng người bác sĩ này vẫn còn đó những lo lắng về những thử thách sắp tới mà bệnh nhân phải đối mặt, khi việc bị ngừng tim không khác gì một "cơn bão" ập đến sinh mệnh vốn đã rất mong manh của bệnh nhân.
Sau ca cấp cứu, BS Phúc trao đổi với người nhà bệnh nhân về tiên lượng bệnh, dặn dò gia đình chuẩn bị tinh thần nếu tình hình sắp tới diễn biến xấu.
"Nhiệm vụ của chúng tôi là sẵn sàng trước "cơn bão" sắp tới và làm tất cả những gì có thể", BS Phúc nói.