1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

3 sai lầm phổ biến nhất của các mẹ khi chăm trẻ

(Dân trí) - 3 việc làm vô cùng phổ biến của các mẹ, đó là đánh tưa lưỡi hàng ngày cho trẻ; lúc nào cũng “ngoáy” tai sạch bách và luôn trong tâm trạng sợ trẻ đói nên ép ăn liên tục, nhưng với các bác sĩ đó lại là sai lầm.

Ép ăn liên tục khiến trẻ lúc nào cũng lưng lửng bụng, lâu dần mất cảm giác thèm ăn, liên quan trực tiếp đến chứng biếng ăn sau này ở trẻ.
Ép ăn liên tục khiến trẻ lúc nào cũng lưng lửng bụng, lâu dần mất cảm giác thèm ăn, liên quan trực tiếp đến chứng biếng ăn sau này ở trẻ.

Ép ăn liên tục

GS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, nhiều mẹ ôm con đến viện chỉ bởi nguyên nhân bé trớ nhiều. Khi bác sĩ hỏi ra thì mới biết, nguyên nhân trớ là do ép trẻ ăn no quá.

“Nhiều bà mẹ hiểu nhầm về lời khuyên cho trẻ ăn theo nhu cầu. Nhu cầu ở đây là nhu cầu ăn của trẻ, dựa trên căn cứ khoa học chứ không thể theo nhu cầu bừa bãi của các bà mẹ. Nhiều bà mẹ, con vừa bú xong 5 - 10 phút, đặt con xuống bé khóc “oe oe” lại lôi ti ra cho bú để bé nín. Ăn nhiều khiến bé trớ, kéo theo hàng loạt nguy cơ ho, sặc sữa, viêm đường hô hấp mũi, họng vì sặc…”, TS Dũng nói.

“Nhiều mẹ phàn nàn, con chẳng bao giờ có cảm giác đòi ăn là bởi nguyên nhân này, trẻ chưa đói đã được mẹ nhét cho ăn. Lâu dần sẽ khiến trẻ mất cảm giác thèm ăn vì bụng luôn ở trạng thái lưng lửng, sẽ liên quan đến chứng biếng ăn sau này. Vì thế, cần lưu ý cho trẻ ăn theo nhu cầu của trẻ, 2 - 3 tiếng ăn một lần, không ăn theo bữa lắt nhắt, vừa đảm bảo sinh lý, nhu cầu ăn uống, vừa giảm nguy cơ nôn trớ do ăn quá no ở trẻ”, TS Dũng khuyến cáo.

Đánh tưa lưỡi mỗi ngày

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, BV Bạch Mai cho biết, ông không thể hiểu vì sao các bà mẹ luôn có các “sáng kiến” và vô cùng chăm chỉ dùng khăn xô, gạc đánh tưa lưỡi hàng ngày cho trẻ, trong khi việc đánh tưa lưỡi không có nhiều tác dụng làm sạch miệng như nhiều người vẫn nghĩ. Dù có đánh hàng ngày, khi trẻ xuất hiện tưa vẫn sẽ có tưa, không phòng được. Mà khi bị tưa lên, các loại thuốc bôi hiệu quả nhanh chóng, trẻ không phải chịu đau đớn do mẹ dùng gạc đánh tưa cho rụng đi.

Hơn nữa, miệng của trẻ em vốn có cơ chế làm sạch tự nhiên, sau khi bú, trẻ tự tiết nước bọt làm sạch miệng. Đặc biệt ở những em bé bú mẹ, miệng lại càng sạch hơn những bé bú sữa ngoài.

Trong khi đó, việc ngày nào cũng dùng gạc, khăn xô đánh tưa lưỡi cho trẻ bởi có thể gây tổn thương niêm mạc lưỡi trẻ. Do niêm mạc miệng, lưỡi của em bé vốn rất mỏng (mỏng hơn cả da bé), nếu dùng gạc trà sát có thể gây tổn thương niêm mạc lưỡi, khiến bé khó chịu, đau, ăn uống khó khăn hơn.

Hơn nữa, việc đánh tưa lưỡi này có thể đưa thêm vi khuẩn vào miệng bé nếu dụng cụ đánh tưa lưỡi không được sạch sẽ. Khi đó, rõ ràng là lợi bất cập hại.

Tốt nhất, để giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ, với trẻ đang còn bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu, thậm chí còn không nhất thiết phải dùng nước lọc tráng miệng. Còn với trẻ ăn thêm sữa ngoài, ăn dặm, nên cho trẻ uống 1, 2 thìa nước ấm sau ăn để làm sạch miệng.

Còn trẻ lứa tuổi mới mọc răng, do răng mới nhú, không nên dùng khăn nhúng nước lau rửa, vì mọi sự tác động vào răng lúc này có thể gây lệch lạch răng. Với trẻ đến tuổi đánh răng, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ đánh răng đúng cách, đánh dọc răng, đánh sau bữa ăn.

Đặc biệt, có mẹ còn dùng cả mật ong để đánh cho sạch. Hậu quả, đã từng có cháu bé 1,5 tháng tuổi bị co giật vì ngộ độc mật ong. Tron khi đó, mật ong không được khuyến khích dùng ở trẻ nhỏ, do trong mật ong thường có độc tố của loại vi khuẩn có tên clostridium botulium tiết ra, độc tố này tác động đến sức khỏe của trẻ.

Ngoáy tai thường xuyên

Sau tắm cho con, đa phần các bà mẹ đều có thói quen dùng tăm bông ngoáy sạch tai trẻ vì sợ nước vào tai. “Nhiều mẹ còn phàn nàn, ngày nào cũng ngoáy tai mà lần nào tăm bông cũng dính dính chút vàng của ráy tai”.

Theo TS Dũng, sinh lý bình thường tai trẻ thường tiết ra một ít ráy (có thể khô hoặc ướt) để bảo vệ tai, mà trực tiếp là bảo vệ màng nhĩ ở phía trong khỏi côn trùng, kiến, gián bò vào tai. Trong khi đó, ngoáy tai kỹ quá, côn trùng được thông thoáng đường, bò vào sâu có thể gây ảnh hưởng đến màng nhĩ.

Hơn nữa, việc ngoáy tai thường xuyên, quá sạch sẽ gây tổn thương những tế bào lông và màng nhĩ. Đặc biệt, nếu dụng cụ lấy ráy tai không sạch, tăm bông không được vô trùng, ngoáy tai sẽ vô tình mang vi khuẩn từ ngoài xâm nhập ống tai, có thể khiến trẻ bị viêm tai giữa.

Vì thế, sau khi tắm cho trẻ, nếu có một chút nước vào tai, chỉ cần nghiêng tai trẻ để nước chảy ra, dùng tăm bông, khăn xô lau ngay ngoài vành tai. Với trẻ ráy tai nước, sau vài ba ngày thấy ướt ráy thì nên dùng tăm bông vô trùng, có thể làm ẩm bằng nước muối sinh lý, xoay nhẹ nhàng làm sạch cho trẻ. Lưu ý tuyệt đối không đưa vào sâu.

Còn với những trường hợp trẻ bị nút ráy tai, tức là ráy tai dẻo như nhựa, bịt chặt tai gây ảnh hưởng đến thính lực, hay những trẻ ráy tai khô, lắc tai có thể cảm nhận có viên tròn di chuyển thì cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được lấy ráy đúng cách.

Hồng Hải