3 cách uống nước khiến tim khỏe đến mấy cũng đổ bệnh

Minh Nhật

(Dân trí) - Bạn không thể tồn tại nếu không có nước, nhưng uống nước sai cách lại có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó có bệnh tim.

Sau khi vào cơ thể, nước đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các chức năng và hỗ trợ sức khỏe toàn diện.

Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, nước được hấp thụ vào máu và di chuyển khắp các mô và cơ quan, tham gia vào quá trình tuần hoàn máu. Đồng thời, một phần nước còn lại giúp giữ ẩm cho ruột và dạ dày, ngăn ngừa tình trạng táo bón.

Sau khi máu cùng nước được lưu thông đầy đủ trong cơ thể, chất thải do quá trình trao đổi chất tạo ra sẽ được trộn với nước và đưa đến thận. Thận sẽ tái hấp thu chất thải và lọc ra những chất thực sự vô dụng đối với cơ thể.

3 cách uống nước khiến tim khỏe đến mấy cũng đổ bệnh - 1

Sau khi vào cơ thể, nước đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các chức năng và hỗ trợ sức khỏe toàn diện (Ảnh: Getty).

Nước thải sẽ được đưa đến bàng quang để tạo thành nước tiểu, và cuối cùng được đào thải ra khỏi người.

Theo Aboluowang, bạn không thể tồn tại nếu không có nước, nhưng uống nước sai cách lại có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó có bệnh tim.

Uống quá nhiều nước

Việc uống quá nhiều nước một cách nhanh chóng có thể làm loãng máu và gây gánh nặng cho tim.

Theo đó, uống quá nhiều nước sẽ khiến một lượng lớn nước nhanh chóng đi vào máu, làm máu loãng hơn, đồng thời cũng khiến quá trình lưu thông máu trong cơ thể tăng nhanh.

Tim giống như một chiếc máy bơm nước trong cơ thể nên việc này sẽ tăng gánh nặng cho tim. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, nên uống nước thành từng ngụm nhỏ, đặc biệt khi cơ thể thiếu nước sau khi tắm hoặc tập thể dục.

Điều đáng chú ý là nồng độ muối trong máu và các tế bào thường tương đương nhau. Nếu máu đột nhiên trở nên loãng hơn, nó có thể khiến các tế bào, đặc biệt là các tế bào não phình to lên, tạo ra áp lực trong sọ.

Uống nước quá nóng

Tốt nhất nên uống nước ở nhiệt độ phù hợp với nhiệt độ cơ thể con người, khoảng 30-40⁰C.

Nếu nước quá nóng sẽ làm bỏng thành miệng, thực quản, thành dạ dày… và làm tăng nguy cơ của bệnh ung thư thực quản. Việc uống nước quá nóng cũng sẽ nhanh chóng khiến cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng và tăng áp lực cho tim.

Uống nước quá lạnh

Nước quá lạnh sẽ gây kích ứng tim, vì nước có nhiệt độ thấp sẽ gây co động mạch vành, ảnh hưởng đến hoạt động của tim, gây bất lợi cho quá trình lưu thông máu và làm tăng nguy cơ đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim.

Đặc biệt những người mắc bệnh mạch vành và cao huyết áp cần chú ý đến nhiệt độ nước, bởi nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe tim sẽ cao hơn.

Uống nước đúng cách như thế nào?

Nước ở đây có thể bao gồm cả trà, cà phê, sữa, các loại nước ép trái cây và thậm chí là cả nước có trong những loại thực phẩm như: trái cây, rau củ…

Lượng nước bạn cần uống trong ngày sẽ tùy thuộc vào ngoại hình, môi trường sống và khả năng hoạt động của bạn. Thông thường, một người nên uống 1,5-2l nước/ngày.

Các chuyên gia khuyến cáo nên uống nước thật chậm, chỉ uống khoảng 60-90ml nước mỗi lần và chia làm nhiều lần trong ngày.

Nếu ăn nhiều loại thực phẩm giàu nước như: rau, hoa quả, đậu và ngũ cốc nấu chín, bạn có thể giảm lượng nước uống trong ngày.

Ngược lại, nếu không ăn nhiều loại thực phẩm giàu nước và ăn mặn hoặc ăn nhiều gia vị trong các bữa ăn, bạn cần tăng lượng nước uống trong ngày. Bên cạnh đó, nếu bạn cao lớn, hoạt động nhiều hay đang trong thời tiết nắng nóng thì cũng nên uống nhiều nước hơn.

Cách tốt nhất để biết khi nào cần uống nước là khi bạn cảm thấy khát. Bạn cũng có thể biết lúc nào cần uống nhiều hơn hoặc ít đi bằng cách theo dõi màu sắc của nước tiểu.

Màu sắc "lý tưởng" nhất của nước tiểu là màu vàng nhạt. Nếu màu đậm hơn thì có nghĩa là bạn đang bị mất nước và cần phải bổ sung, còn màu rất nhạt hoặc gần như không màu thì điều đó đồng nghĩa với việc bạn đã uống quá nhiều và cần hạn chế bớt lượng nước cũng như tốc độ uống.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm