3 bí quyết kiểm soát gan nhiễm mỡ nhẹ

Hồng Hải

(Dân trí) - Để ngăn ngừa nguy cơ gan nhiễm mỡ, 3 bí quyết đơn giản được các chuyên gia bật mí, đó là dinh dưỡng, vận động và ngủ đủ giấc.

Gan nhiễm mỡ độ 1 là giai đoạn đầu tiên bắt đầu quá trình gan nhiễm mỡ, do đó rất ít có những triệu chứng điển hình. Tuy nhiên, nếu lắng nghe cơ thể, thấy có những biểu hiện mơ hồ nhưng nghĩ đến nguy cơ, mọi người cũng nên đi khám.

Khi bị gan nhiễm mỡ nhẹ cơ thể có thể xuất hiện các triệu chứng sau:

- Cơ thể thường xuyên mệt mỏi, thiếu năng lượng.

- Đau nhẹ, sốt nhẹ, khó chịu vùng hạ sườn phải.

- Chán ăn, ăn uống khó tiêu, luôn cảm giác thấy no và đầy bụng.

- Buồn nôn, nôn, nước tiểu sẫm màu.

- Vàng da, vàng mắt do nồng độ bilirubin trong máu tăng cao.

Tuy nhiên phần lớn gan nhiễm mỡ nhẹ không biểu hiện triệu chứng, người bệnh tình cờ được phát hiện khi đi khám sức khỏe định kỳ, siêu âm gan.

Gan nhiễm mỡ độ 1 có nguy hiểm không?

Gan là một cơ quan quan trọng trong cơ thể người. Chính vì vậy, những tổn thương gan sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động diễn ra tại gan và các hoạt động trong cơ thể.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị gan nhiễm mỡ. Gan nhiễm mỡ độ 1 được xem là giai đoạn lành tính. Vì thế, cần kiểm soát tốt để không tiến triển gan nhiễm mỡ lên các giai đoạn nặng hơn là gan nhiễm mỡ độ 2 và độ 3. Khi đó, các tế bào gan bị tổn thương nghiêm trọng có thể biến chứng thành xơ gan, ung thư gan đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Gan nhiễm mỡ độ 1 có thể điều trị khỏi nếu người bệnh tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về phác đồ điều trị cũng như chế độ dinh dưỡng, tập luyện và lưu ý ngủ đủ giấc.

Dinh dưỡng hợp lý

Về chế độ ăn uống, việc đầu tiên cần làm là từ bỏ rượu bia, đồ uống có cồn; ăn nhiều rau củ quả tươi, hạn chế ăn đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ ăn đóng hộp hoặc đồ ăn quá mặn và cay... không ăn nội tạng động vật…

Bên cạnh đó cần điều chỉnh giờ ăn hợp lý, ăn uống đúng giờ, không ăn quá no, không ăn nhiều vào bữa tối.

Cần lưu ý uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.

Ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày

Người bệnh cũng nên tạo lập một lối sống lành mạnh, cân đối giờ giấc làm việc nghỉ ngơi một cách điều độ. Tránh làm việc quá căng thẳng, áp lực, không thức khuya. Nên ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày để lá gan có cơ hội nghỉ ngơi và phục hồi.

Vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày

Bên cạnh dinh dưỡng, vận động là bí quyết giúp cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ, do sẽ kiểm soát được cân nặng, tăng cường trao đổi chất.

Vận động, tập thể dục thể thao vừa sức, mỗi ngày, tránh tập luyện quá sức gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Các môn thể thao mà người bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 có thể lựa chọn như Yoga, chạy bộ, đạp xe sẽ rất tốt cho việc tuần hoàn máu, chuyển hóa các chất trong gan.

Theo dõi và tái khám định kỳ (6 tháng/ lần) để nắm được tình trạng đường huyết, mỡ trong máu và gan.