28 năm sau mổ ung thư vẫn sống tốt

Trường Thịnh

(Dân trí) - Thế mà như một sự kỳ diệu, sau 28 năm sau cuộc phẫu thuật cắt bỏ khúc ruột bị ung thư, đến nay ông Trần Canh vẫn còn sống và rất phấn khởi đón mừng năm thứ 86 và huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Tháng 3/1992, trước thân hình teo tóp chỉ còn 28 kg sau cuộc mổ khối u đại tràng, nhiều người thân trong gia đình và bạn bè đều không khỏi bùi ngùi khi đến thăm ông tại Bệnh viện K Hà Nội. Thế mà như một sự kỳ diệu, sau 28 năm sau cuộc phẫu thuật cắt bỏ khúc ruột bị ung thư, đến nay ông Trần Canh vẫn còn sống và rất phấn khởi đón mừng năm thứ 86 và huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Tôi muốn nói đến ông Trần Canh hiện đang sống tại số nhà 18-20 đường Trần Hưng Đạo, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.

Là một cậu bé sớm mồ côi cha, năm 1947 khi mới 13 tuổi , ông đã được nhận làm liên lạc cho nhà cách mạng lão thành Nguyễn Lương Bằng, khi đó là Trưởng ban kinh tế TW Đảng, nơi bà mẹ ông đang công tác. Sau đó ít năm ông được cử đi học văn hóa và nghề, trở về làm công nhân tại Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, đóng tại Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang. Năm 1952, ông được tham gia Đoàn đại biểu thanh niên đến chào mừng Đại hội anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất đúng ngày 1/5/1952, tổ chức tại Kim Bình, Chiêm Hóa, Tuyên Quang.
Người thanh niên công nhân Trần Canh sau đó chuyển lên mỏ thiếc Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao bằng. Tại đây ông đã trưởng thành và được bầu vào Ban chấp hành công đoàn mỏ. Năm 1973, ông chuyển về mỏ thiếc Sơn Dương, Tuyên Quang làm chuyên trách công đoàn.

Năm 1979, về thị xã Tuyên Quang và là người đầu tiên xây dựng công đoàn thị xã và được cử giữ chức vụ Thư ký (nay là Chủ tịch) Công đoàn thị xã và là ủy viên Ban chấp hành Công Đoàn tỉnh Hà Tuyên. Cho đến năm 1983 vì sức khỏe yếu, ông xin nghỉ hưu sớm.

Thế rồi, một căn bệnh khiến ông bắt đầu cuộc "trường chinh" chữa bệnh. Từ bệnh viện Tuyên Quang, ông về Hà Nội và điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền TW, Bệnh viện Bạch Mai với căn bệnh về đại tràng. Chỉ đến khi chuyển về Bệnh viện K - ông mới được chẩn đoán là ung thư đại tràng và phải phẫu thuật. Cuộc phẫu thuật diễn ra 2 lần trong tháng 3/1992.

Ông được giáo sư Quang, một chuyên gia đầu ngành cùng các bác sĩ Hiếu, Hạnh, Đông ...trực tiếp ca mổ và làm các công tác kỹ thuật: Cắt bỏ đoạn ruột có khối u và bịt hậu môn, nối ruột tạo thành đường tiêu hóa bên cạnh sườn. Nhờ sự chăm sóc của các bác sĩ, y tá, điều dưỡng Bệnh viện K tận tình chăm sóc, nên sau thời gian ngắn ông đã xuất viện với tình trạng thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo, nhưng mang túi tiêu hóa bên mình cho đến hôm nay.

28 năm sau mổ ung thư vẫn sống tốt - 1
Ông Trần Canh sống khỏe sau 28 năm bị ung thư (ảnh tác giả cung cấp).

Khỏi phải nói đến những phiền toái sau cuộc mổ này. Tuy nhiên bệnh tật chưa dừng lại ở đó, một thời gian sau ông lại bị một căn bệnh quái ác, nghi thủng bàng quang, 2-3 tháng trời cứ uống nước vào lại đi tiểu dầm dề, hàng ngày hàng chục lần thay xô. Thế rồi ông được các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K cho uống thuốc, hướng dẫn dùng thuốc nam và tăng cường ăn rau muống. Kỳ diệu thay, bệnh đi tiểu vô tổ chức lại thuyên giảm sau đó dứt hẳn.

Năm 2006, lại được căn bệnh mới xuất hiện và được Bệnh viện Nội tiết Hà Nội xác định ông bị bệnh tiểu đường, nhiều lần chân sưng to, người mệt mỏi, thận yếu. Từ đó đến nay, ông là bệnh nhân ngoại trú thường xuyên của Bệnh viện Nội tiết Hà Nội.

Nói về ông, các bạn già, hội viên Hội người cao tuổi phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang đều khâm phục nghị lực sống của người công nhân, cán bộ công đoàn Trần Canh. Mặc dù bệnh tật thường xuyên hành hạ, nhưng ông vẫn yêu đời, tận tình vì bạn bè, không quản ngại sức yếu, vẫn tham gia công tác của Hội NCT ở phường, luôn gặp gỡ, thăm hỏi các gia đình khó khăn, gương mẫu trong cuộc sống, giành sự chăm sóc gia đình, cho nên các con cháu ông đều trưởng thành, là công nhân viên hoặc quân đội đóng trên địa bàn tỉnh biên giới Hà Giang.

Ông thường xuyên động viên gia đình, họ hàng. Như ông tự nhận: Chính nghị lực của người công nhân đã giúp ông vượt qua mọi bệnh tật, thử thách cuộc đời. Đặc biệt ông rất biết ơn người bạn đời thân thiết, nữ công nhân Đỗ thị Cải, nay cũng hơn 80 tuổi, nhiều năm cùng ông vượt qua bao khó khăn, trở lực, tận tình chăm sóc, giúp ông vượt qua mọi bệnh tật hiểm nghèo. Ông thật thỏa nguyện vì mới đây được các đồng chí lãnh đạo Đảng đến tận nhà để chúc mừng và trao huy hiệu 60 năm tuổi Đảng cho ông.

28 năm sau cuộc phẫu thuật, 5-6 lần bác sĩ thay bệnh án và những người đầu tiên chữa bệnh cho ông cũng rất ngạc nhiên và khâm phục nghị lực sống của người bệnh nhân kỳ lạ này.

Nhưng chính những thầy thuốc ở Bệnh viện K mới là những người viết nên một kỷ lục thành công trong một cuộc chữa bệnh ung thư tại Việt Nam. Và ông là tấm gương để tôi, một bệnh nhân ung thư, noi theo và kiên trì chữa căn bệnh ung thư trực tràng hiện nay.

Bài dự thi: SỐNG NHƯ NHỮNG ĐÓA HOA - VƯƠN VỀ PHÍA MẶT TRỜI

Tác phẩm: 28 năm sau mổ ung thư vẫn sống tốt

Tác giả: LÊ HÙNG

Email: Lehungmui@gmail.com

Địa chỉ: Số nhà 2, ngách 2/27, ngõ 2 Phương Canh - Xuân Phương - Nam Từ Liêm - Hà Nội.

ĐT: 0982.373.483