2.700 trẻ em Việt tử vong mỗi năm vì đuối nước, dạy kỹ năng "bơi sống" cho trẻ
(Dân trí) - Đuối nước là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 19 tuổi, mỗi ngày có 7 trẻ tử vong do đuối nước. Một loạt các biện pháp đã được triển khai để hạn chế những ca tử vong đáng tiếc này như dạy bơi, dạy trẻ không trực tiếp xuống cứu khi thấy bạn bị đuối nước...
Ngày 12/11, tại hội nghị khoa học quốc gia lần thứ 3 về phòng chống tai nạn thương tích, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hàng năm nước ta ghi nhận 35.000 người bị tai nạn thương tích chủ yếu do tai nạn giao thông.
Trong đó tai nạn giao thông và đuối nước là nguyên nhân chính gây tử vong hàng đầu. Đặc biệt, đuối nước là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 19 tuổi.
“Đuối nước cướp đi sinh mạng của khoảng 2.700 trẻ em mỗi năm. Chúng ta có thể hình dung gánh nặng tổn thương đến sức khỏe, an toàn của trẻ, đặc biệt là hạnh phúc của các gia đình”, thứ trưởng Sơn chia sẻ.
Tỷ lệ trẻ em bị tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao gấp 10 lần so với tỷ lệ của các nước phát triển. Vì thế, để hạn chế những trường hợp tử vong đáng tiếc này, một dự án hỗ trợ các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đã được triển khai. Đơn vị triển khai chính là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Bà Anuradha Khanai, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Tổ chức Vận động chính sách Y tế toàn cầu của Mỹ, cho biết trong giai đoạn 1, dự án được triển khai tại 103 xã của 21 huyện thuộc 8 tỉnh, thành gồm Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Sóc Trăng. Đây là các địa phương có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao nhất.
Đến nay đã có hơn 6.100 trẻ được học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Đến cuối năm 2019, dự kiến trên 16.000 trẻ em từ 6 đến 15 tuổi sẽ được đào tạo về kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
"Chúng tôi dạy trẻ kỹ năng bơi sống còn chứ không phải bơi thông thường", bà Anuradha Khanai nói.
Sắp tới, dự án sẽ triển khai tại tất cả các tỉnh, thành khác, đảm bảo giảm 20% tai nạn nạn đuối nước ở trẻ. Đồng thời dự án đã và đang lắp đặt các bể bơi di dộng tại các địa phương để đảm bảo các em có thể học bơi mà không phải đi xa.
Trẻ cần phải bơi được 25 m và nổi được 90 giây
Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết thêm để triển khai công tác phòng chống đuối nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng đặc biệt là cha mẹ, người chăm sóc trẻ, bản thân trẻ liên quan đến các nguy cơ gây đuối nước cho trẻ, nâng cao kiến thức kỹ năng cho trẻ, dạy kỹ năng an toàn, dạy bơi cho trẻ.
Hiện nay Bộ phối hợp các bộ ngành xây dựng tài liệu dạy bơi an toàn cho trẻ. Mỗi trẻ sau khi kết thúc khóa học phải đạt tiêu chí bơi được 25 m và nổi được 90 giây. Thực hiện tốt khóa học này sẽ giúp các em phòng chống đuối nước và sống sót khi rơi vào nguy hiểm.
Bên cạnh đó, trẻ được dạy các kỹ năng an toàn, các kiến thức an toàn khi tham gia môi trường nước, biết nhận biết các môi trường nước nguy hiểm để không xuống chơi, xuống bơi.
“Trẻ được cảnh báo khi tham gia môi trường nước, đi bơi phải có người lớn đi kèm, được hướng dẫn để nhận biết vùng nước sâu, nguy hiểm. Các em cũng được trang bị các kỹ năng tự cứu, đặc biệt là không bao giờ trực tiếp xuống cứu đuối khi nhìn thấy người nào đó hay bạn bị đuối nước, mà dùng các biện pháp cứu đuối an toàn ở trên cạn như dùng sào, dùng dây…”, bà Hoa nói.
Trước đây mỗi năm nước ta ghi nhận 3.300 trẻ tử vong do đuối nước thì đến giai đoạn hiện nay trung bình mỗi năm còn khoảng 2.700. Như vậy mỗi ngày vẫn còn 7 trẻ tử vong do đuối nước.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế giới, hàng năm có khoảng trên 5 triệu tử vong và hàng chục triệu người bị thương do tai nạn thương tích trên toàn thế giới. Tai nạn thương tích là nguyên nhân hàng đầu của gánh nặng bệnh tật và tử vong đặc biệt trong nhóm dân số trẻ và trong độ tuổi lao động.
Trong 10 năm qua, các chính sách can thiệp phòng chống tai nạn thương tích đã góp phần giảm 20% tử vong do tai nạn thương tích tại cộng đồng.
Nam Phương