TPHCM:

21% nhân viên y tế hút thuốc lá

(Dân trí) - Sau nhiều năm triển khai chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá nhưng phương án thực hiện tại TPHCM mới chỉ tuyên truyền, nhắc nhở là chính. Ngành y tế là đơn vị đi đầu trong chiến dịch này, song tỷ lệ nhân viên hút thuốc vẫn còn 21%.

Luật cấm hút thuốc lá nơi công cộng đã được thực thi nhiều năm qua, nhưng đến nay khói thuốc vẫn bủa vây mọi lúc mọi nơi. 

Luật nghiêm cấm nhưng thiếu văn bản hướng dẫn, chế tài thiếu nghiêm minh khiến người hút thuốc “lờn luật”. Hình ảnh người hút thuốc thi nhau vô tư nhả khói nhưng chẳng thấy ai nhắc nhở, xử phạt đã trở nên quen thuộc với người Việt Nam.

Nhiều người đã ý thức được sự nguy hại của thuốc lá nhưng không quyết tâm bỏ
Nhiều người đã ý thức được sự nguy hại của thuốc lá nhưng không quyết tâm bỏ

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá ngành y tế TPHCM năm 2014 và hưởng ứng tuần lễ quốc gia không khói thuốc lá năm 2015 (diễn ra ngày 27/5), BS Đinh Văn Hiệp, Ban chủ nhiệm Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá (Sở Y tế TPHCM) thẳng thắn nhìn nhận: Đến nay, việc xử lý đối với người hút thuốc lá chủ yếu là nhắc nhở và xử theo quy chế nội bộ.

Một số quận huyện, chính quyền địa phương đã thực hiện xử lý vi phạm hành chính đối với người hút thuốc lá ở những nơi cấm hút, tuy nhiên việc xử lý chỉ mang tính tượng trưng. Đơn cử như quận Bình Thạnh, năm 2014 nhiều lần ra quân thanh kiểm tra việc hút thuốc nhưng chỉ ra được 5 quyết định xử phạt hành chính đối với người hút thuốc lá ở những nơi cấm, trong đó có 2 quyết định xử phạt bằng tiền, mỗi quyết định xử phạt 200 nghìn đồng.

Y tế là ngành đi đầu trong cuộc vận động phòng chống tác hại của thuốc lá, tuy nhiên không ít người trong ngành trước mặt bệnh nhân thì mạnh miệng tuyên truyền, sau lưng thì phì phèo khói thuốc. Theo ước tính của ngành y tế thành phố đến nay trên toàn địa bàn có khoảng 21% nhân viên y tế hút thuốc lá. Tỷ lệ này đã giảm khoảng 9% so với năm 2011 song xét về tính đặc thù của ngành y tế khi người bệnh cần môi trường khám chữa bệnh trong lành thì tỷ lệ nhân viên y tế hút nêu trên còn rất cao.

Khi biện pháp nhắc nhở không mang lại kết quả, một số bệnh viện đã tiến hành gắn camera tự động theo dõi hành vi hút thuốc của nhân viên y tế. Trên cơ sở đó, bệnh viện tiến hành xử lý bằng các hình thức trừ tiền phạt vào lương, kéo dài thời gian nâng lương theo định kỳ, hạ thành tích thi đua… của người hút thuốc lá.

Để hỗ trợ cho cộng đồng và hỗ trợ chính nhân viên y tế cai nghiện thuốc lá, thành phố đã xây dựng 3 phòng tư vấn kết hợp điều trị bằng thuốc đặt tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, bệnh viện Nhân Dân Gia Định. Dự kiến trong năm nay, thành phố sẽ tiếp tục thành lập thêm 2 phòng tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá. 

Theo phân tích của BS Đinh Văn Hiệp, việc áp dụng luật phòng chống tác hại thuốc lá hiện nay còn gặp khá nhiều khó khăn bởi thói quen hút thuốc đã ăn sâu trong một bộ phận không nhỏ người dân; nhiều người coi việc hút thuốc lá là bình thường nên có thái độ bàng quang; giá bán thuốc lá quá rẻ; người dân mua thuốc lá quá dễ dàng… Trong khi đó, việc xử lý vi phạm liên quan đến luật phòng chống tác hại thuốc lá còn chung chung, chưa triển khai hướng dẫn chi tiết về quy định xử phạt.

Vân Sơn