2 đầu bếp khách sạn, nhà hàng mắc tiêu chảy cấp
(Dân trí) - Thông tin về một đầu bếp của khách sạn 5 sao và một nhà hàng nằm trên đường Phạm Ngọc Thạch ở Hà Nội có kết quả xét nghiệm dương tính đã gây sửng sốt cho các đại biểu tham dự cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch tiêu chảy tại Bộ Y tế chiều 8/11.
Ngay lập tức, lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo: Phải kiểm tra ngay các cửa hàng ăn uống cao cấp và nếu không đạt tiêu chuẩn VSATTP sẽ phải đóng cửa. Đồng thời nếu xảy ra trường hợp người nước ngoài bị nhiễm bệnh thì họ không được phép xuất cảnh.
Theo thông tin ban đầu, trường hợp đầu bếp của khách sạn 5 sao mắc dịch là do ăn xôi với thịt kho tại khách sạn. Do khách sạn, nhà hàng là những địa chỉ thường xuyên có người nước ngoài đến nên việc có 2 trường hợp mắc bệnh, lại là các đầu bếp sẽ khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn.
Khả năng tồn tại của khuẩn phẩy dạng tả trong các nguồn nước và thực phẩm:
- Trong nước máy từ 4-40 ngày - Trong nước giếng khơi từ 3-30 ngày. - Trong nước sông từ 17-19 ngày - Trong nước hồ, ao từ 3 - 30 ngày -Trong nước biển từ 4 - 47 tuần.
Trong ruồi từ 2 - 3 tuần, Trong đất là 25 tuần.
Những thực phẩm như cá, cua, hàu mầm bệnh có thể sống tới 40 ngày.
Trong bánh mỳ, mắm tôm, mắm tép, nem chạo, nem chua từ vài ngày đến hàng tuần. |
Hiện nguồn lây lan dịch tiêu chảy cấp không còn là mắm tôm, mắm tép mà đã chuyển sang các thực phẩm khác, trong đó có thực phẩm chế biến sẵn. Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã đề nghị thực hiện việc cấp phát găng tay miễn phí cho các hàng ăn. Được biết, hiện nay đa số các cán bộ nhân viên trong Bộ Y tế đã mang thức ăn nấu sẵn ở nhà đến cơ quan, hạn chế ăn ở ngoài.
Về nguồn gốc gây bệnh, theo các đoàn kiểm tra cũng như qua phân tích đánh giá cho thấy: mắm tôm chở từ Thanh Hoá về đến Hà Nam không chỉ đậm đặc mà có độ mặn rất cao, tới trên 22%. Và với độ mặn này thì khuẩn phẩy tả không thể sống được. Còn mắm tôm từ Hà Nam chuyển đi các tỉnh khác đã được pha loãng bằng nước lã và có độ mặn dưới 6%. Với việc pha chế này, thứ trưởng Huấn cho rằng đây chính là mầm mống gây bệnh.
Con số thống kê cho đến 7h sáng 8/11, số người nhập viện là 1.216 bệnh nhân, trong đó có 276 trường hợp dương tính. Số tỉnh có người nhiễm lúc này là 13 tỉnh trong đó có thêm 2 tỉnh mới là Nam Định (1), Hà Nam (1).
Ngoài Hà Nội, số nhiễm mới giảm mạnh, thì có tới 5 tỉnh đang có diễn biến rất phức tạp và số người mắc tăng mạnh đó là Bắc Ninh, Thái Bình, Thanh Hoá, Hải Dương, Hải Phòng. Cục Y tế dự phòng cũng công bố số điện thoại nóng để thông báo về dịch: 041080.
TPHCM: Tịch thu gần 2 tạ mắm tôm
Sau 3 ngày (5 – 7/11) kiểm tra các cơ sở kinh doanh, chế biến mắm tôm tại TPHCM, đoàn thanh tra chuyên ngành vệ sinh thực phẩm của Sở Y tế TPHCM đã thu giữ tổng cộng 186,8kg mắm tôm mắm tép không nguồn gốc và 3,48kg mắm tôm có nhãn.
Hiện đã có 1 trường hợp nghi tiêu chảy cấp dạng tả và nguy cơ đối với dịch bệnh này vẫn rất cao nhưng các hàng quán lề đường vẫn đông người chen nhau ăn uống, người dân thành phố vẫn dễ dàng tìm được gánh bún riêu, hàng bún mọc, quán thịt cầy …với đầy đủ lễ bộ rau sống - mắm tôm thiếu vệ sinh, còn ở chợ thì vẫn vô tư bán mắm tôm dạng bịch nylon nhỏ.
Đà Nẵng: Khẩn trương phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm
Mặc dù ở Đà Nẵng chưa phát hiện ra trường hợp tiêu chảy cấp nào nhưng trước tình hình diễn biến của dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đang lan rộng ở các tỉnh phía Bắc, trong những ngày qua, Sở Y tế Đà Nẵng đã khẩn trương triển khai kế hoạch xây dựng quy trình xử lý tiêu chảy cấp theo quy định của Bộ Y tế, chuẩn bị và cấp cho tất cả các quận huyện các loại hoá chất để chủ động phòng chống dịch.
Đến hôm nay, Trung tâm y tế dự phòng thành phố đã cấp tất cả 28.000 viên Chloramine B, 2.400gói ORS, 510 kg Chloramine B bột, 340 chai Lactac Ringer, 300 dây truyền dịch, 150 kim bướm cùng một số phương tiện hỗ trợ khác.
Ngọc Thanh - LTQ |
Lan Hương