2 “cú hích” giúp trẻ cao lớn khi dậy thì

(Dân trí) - Theo PGS.TS. Lê Thị Bạch Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để trẻ phát triển chiều cao tối đa và cân nặng hợp lý khi dậy thì, giai đoạn tiền dậy thì cần được đầu tư đúng mức.

Hướng dẫn trẻ ăn uống khoa học

Độ tuổi từ 6-12 tuổi là giai đoạn rất quan trọng bởi đây là thời điểm tích lũy để tạo “đà” phát triển tốt ở giai đoạn dậy thì tiếp theo (tăng trưởng được từ 2-3kg và 4-6cm mỗi năm). Tuy nhiên đây cũng là giai đoạn trẻ rất dễ bị thiếu hụt hoặc mất cân bằng về dinh dưỡng so với giai đoạn sơ sinh.

2 “cú hích” giúp trẻ cao lớn khi dậy thì - 1

PGS. Bạch Mai dẫn chứng giai đoạn này trẻ đang trong quá trình thay răng, làm ảnh hưởng đến sức nhai, sức ăn, ảnh hưởng đến hấp thu dinh dưỡng. Hay trẻ thường ăn theo sở thích thay vì được hướng dẫn cách ăn uống khoa học.

Do đó, PGS. Bạch Mai khuyến nghị cần chú ý tới cách chế biến phù hợp với tình trạng thay răng của trẻ, đặc biệt là giai đoạn thay răng cửa, để dinh dưỡng được hấp thu tối ưu.

Trẻ cần được ăn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng như chất đạm, chất bột đường, béo, vitamin và khoáng chất. Trong nhóm chất sinh năng lượng thì đạm (protein) là nhóm dưỡng chất quan trọng, giúp sản sinh và tái tạo tế bào, các cơ bắp, tạo khuôn xương…, đảm bảo cho tiến trình tăng trưởng và nhu cầu hoạt động của trẻ.

Và việc đảm bảo cân đối giữa đạm động vật và đạm thực vật để có nguồn chất đạm đa dạng, giá trị sinh học cao, đồng thời phòng ngừa nguy cơ bệnh tật là vấn đề mà các bậc phụ huynh cần lưu tâm.

PGS.TS. Lê Bạch Mai đánh giá cao giá trị dinh dưỡng của đậu nành và khuyến cáo sử dụng đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành như sữa đậu nành, dầu đậu nành... đặc biệt cho trẻ em tuổi học đường ở giai đoạn lấy đà phát triển hệ xương và chiều cao.

PGS.TS Bạch Mai cũng khuyến nghị các trường tiểu học học nên áp dụng phần mềm xây dựng khẩu phần dinh dưỡng để đảm bảo dinh dưỡng cân bằng, điều độ.

Khuyến khích trẻ chơi nhảy dây


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

PGS.TS. Lê Bạch Mai cũng cho biết, song song với chế độ dinh dưỡng, việc khuyến khích trẻ tích cực tham gia vào các hoạt động thể chất cũng không kém phần quan trọng.

Đặc biệt là trò chơi vận động nhảy dây. Bởi theo PGS. Bạch Mai, nhảy dây có tác dụng kích thích màng xương đùi rất tốt. Hoạt động này cũng giúp trẻ ngủ sâu giấc, góp phần tăng tiết yếu tố tăng trưởng chiều cao. .

Tuy nhiên, PGS. Bạch Mai chỉ ra một thực tế là giờ nghỉ trưa tại các trường Tiểu học hiện quá dài, trẻ không được vận động, vui chơi... nên cũng góp phần làm hạn chế chiều cao.

Trẻ cần được tham gia các môn thể thao lành mạnh phù hợp với lứa tuổi như bóng đá, cầu lông, bơi lội, thể dục nhịp điệu… và duy trì thường xuyên liên tục để rèn luyện sức khỏe và tạo đà phát triển tốt về thể lực, chiều cao ở giai đoạn dậy thì sau này.

Tóm lại, theo PGS.TS. Lê Bạch Mai, để lấy đà phát triển thành công trong giai đoạn dậy thì, trẻ cần có sự kết hợp giữa chế độ dinh dưỡng đầy đủ cân bằng và tăng cường vận động thể chất phù hợp.

Trần Phương