2 bệnh chính gây mất thị lực nhiều người vẫn chủ quan

Hà An

(Dân trí) - Việt Nam có khoảng 7 triệu bệnh nhân tiểu đường, trong đó khoảng 7% có nguy cơ mắc phù hoàng điểm tiểu đường. Già hóa dân số nhanh cũng làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh lý thoái hóa hoàng điểm tuổi già.

Tình trạng mất thị lực đang gây ra những tác động kinh tế và xã hội lớn, ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Hiện nay, có khoảng 2,2 tỷ người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi suy giảm thị lực.

Các bệnh lý như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và bệnh võng mạc là những nguyên nhân chính dẫn đến mối quan ngại về mất thị lực đang ảnh hưởng ngày càng lớn đến cộng đồng.

Thoái hóa hoàng điểm tuổi già và phù hoàng điểm tiểu đường đang ảnh hưởng đến gần 50 triệu người, trở thành nguyên nhân chính gây mất thị lực trên toàn cầu. Với sự gia tăng dân số già và tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường, những tình trạng này dự kiến sẽ tác động ngày càng lớn đến cộng đồng toàn cầu.

2 bệnh chính gây mất thị lực nhiều người vẫn chủ quan - 1

Việt Nam thuộc top các nước có tỷ lệ gia tăng bệnh tiểu đường cao nhất thế giới (Ảnh minh họa: Istock).

Tại Việt Nam, áp lực trong việc nâng cao các phương pháp điều trị bệnh lý nhãn khoa ngày càng gia tăng do tỷ lệ mắc tiểu đường và dân số già hóa. Nước ta nằm trong top mười quốc gia có tỷ lệ mắc tiểu đường tăng nhanh nhất thế giới.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam có khoảng 7 triệu bệnh nhân tiểu đường, trong đó khoảng 7% có nguy cơ mắc phù hoàng điểm tiểu đường. Bệnh diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng báo hiệu sớm. Bệnh nhân thường chỉ đến khám và được chẩn đoán khi bệnh đã có biến chứng giảm thị lực.

Đáng chú ý, tỷ lệ biến chứng lên đến 55%, chủ yếu là biến chứng tim mạch, mắt, thần kinh và thận. Nguyên nhân do đa số người bệnh chưa có kiến thức đủ để chăm sóc bệnh như chưa tuân thủ phác đồ điều trị, chế độ ăn uống và vận động chưa phù hợp…

Dữ liệu từ UNFPA năm 2019 cũng cho thấy gần 12% dân số Việt Nam là người cao tuổi - con số này dự kiến sẽ đạt 25% vào năm 2050 - với một phần không nhỏ sẽ bị mắc bệnh lý thoái hóa hoàng điểm tuổi già.

Thoái hóa hoàng điểm là một bệnh lý mạn tính về mắt thường gặp và là nguyên nhân gây mất thị lực hàng đầu sau tuổi 50.

Hiện nay, tiêu chuẩn điều trị 2 bệnh lý này là tiêm nội nhãn thuốc ức chế yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF). Tuy nhiên, yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu không phải là yếu tố duy nhất liên quan đến sự tiến triển của 2 bệnh trên.

Nồng độ Angiopoietin-2 cũng là yếu tố gây viêm, rò rỉ mạch máu đồng thời làm tăng tác động của tăng trưởng nội mô mạch máu  trong bệnh sinh bệnh lý võng mạc.

Chia sẻ tại hội thảo mới đây về các giải pháp tiên tiến cho bệnh nhân mắc bệnh võng mạc tại Việt Nam do Bệnh viện Mắt TPHCM phối hợp cùng Roche Pharma Việt Nam tổ chức, Bác sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM, cho biết, mỗi tháng đơn vị thực hiện hơn 3.000 mũi tiêm nội nhãn thuốc chống tăng sinh (anti-VEGF).

2 bệnh chính gây mất thị lực nhiều người vẫn chủ quan - 2

Bác sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM (Ảnh: H.L).

Theo ông, đây thực sự là gánh nặng không chỉ đối với bệnh nhân mà còn cả người nhà và xã hội trong việc duy trì điều trị đều đặn mỗi tháng một lần. Vì vậy, rất cần những liệu pháp mới có khả năng giảm tần suất tiêm và đồng thời nâng cao hiệu quả điều trị về thị lực cho bệnh nhân.

Trước đó, tháng 5, Bộ Y tế đã phê duyệt kháng thể kép đầu tiên trên thế giới giúp đồng thời ức chế Ang-2 và VEGF-A.

Giáo sư Tôn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam, hy vọng liệu pháp mới này sẽ cải thiện hiệu quả điều trị cho cả người bệnh, thân nhân và ngành y tế.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm