17 giờ chạy xuyên đêm, 5 xe cấp cứu của Đà Nẵng chi viện TPHCM chống dịch

Thư Quỳnh

(Dân trí) - Không dừng lại bất kỳ điểm nào trong cả chặng đường dài hàng trăm cây số, đoàn xe cấp cứu từ Đà Nẵng chạy xuyên đêm suốt hơn 17 tiếng, đã có mặt tại TPHCM, để kịp thời hỗ trợ, chung tay chống dịch.

Sáng 22/7, TPHCM phát hiện thêm 2.433 ca dương tính, đã được Bộ Y tế công bố. Nếu tính từ đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4 đến nay), thành phố đã có hơn 43.700 trường hợp mắc Covid-19, nhiều nhất cả nước.

Trong bản tin Covid-19 ngày 22/7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) đã đưa ra nhận định, số ca dương tính mới còn cao, thành phố vẫn chưa đạt đỉnh dịch và có thể diễn biến phức tạp trong vài ngày tới. 

Thời gian này, rất nhiều "anh em" tỉnh thành khác đã chung tay góp sức gửi yêu thương để tiếp sức cùng TPHCM. Thành phố Đà Nẵng cũng không ngoại lệ khi huy động lực lượng y tế chi viện TPHCM.

Trong số những chiếc xe cấp cứu chạy trên đường phố TPHCM, có những xe đeo biển số 43, tới từ thành phố Đà Nẵng.

17 giờ chạy xuyên đêm, 5 xe cấp cứu của Đà Nẵng chi viện TPHCM chống dịch - 1

9h sáng 21/7, đoàn xe cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu Đà Nẵng vào đến TPHCM.

9h sáng 21/7, đoàn 5 xe cấp cứu biển kiểm soát số 43 có mặt tại Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM, sau hành trình liên tục hơn 17 tiếng đồng hồ, chạy xuyên đêm từ Đà Nẵng.

Đoàn công tác gồm 2 bác sĩ, 5 y sĩ và 8 tài xế đều công tác tại Trung tâm Cấp cứu thành phố Đà Nẵng. Đoàn đưa 5 xe cứu thương với trang thiết bị cấp cứu đầy đủ vào TPHCM để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ thành phố lớn nhất cả nước chống dịch Covid-19. 

Theo chia sẻ của trưởng đoàn - BS Trần Quốc Tuấn, toàn thể cán bộ trong đoàn nhận được thông tin chuyến đi TPHCM khá gấp rút. Tuy nhiên, vì đã chuẩn bị tinh thần và đăng ký tự nguyện trước, từ những ngày dịch bệnh tại TPHCM bắt đầu căng thẳng, nên tất cả thành viên trong đoàn đều rất nhanh chóng sắp xếp công việc để lên đường.

17 giờ chạy xuyên đêm, 5 xe cấp cứu của Đà Nẵng chi viện TPHCM chống dịch - 2

5 chiếc xe cấp cứu do Đà Nẵng hỗ trợ sẵn sàng tiếp sức cho Y tế TPHCM.

"7h30 sáng 20/7, trong lúc họp giao ban, tôi được giao nhiệm vụ tập hợp anh em vào hỗ trợ TPHCM. Không chần chừ, tôi nhận lệnh ngay. Sau cuộc họp, tôi và các anh em nhanh chóng tiến hành các công tác chuẩn bị. Đến 10h, khi tôi chạy về nhà báo với vợ sẽ vào TPHCM, bà xã ngỡ ngàng luôn, nhưng cũng hiểu và thông cảm. Vậy là chúng tôi đi!", BS Trần Quốc Tuấn kể lại.

Cũng theo bác sĩ Tuấn, đoàn công tác đã chuẩn bị rất cẩn thận và đầy đủ không chỉ đối với trang thiết bị y tế mà còn đối với các vật dụng cá nhân và cả thức ăn cho các thành viên.

Cụ thể, đoàn mang theo nhiều trang thiết bị như máy thở, máy sốc, máy monitor… để phòng trường hợp gặp những ca bệnh nặng có thể xử lý được. 

Bên cạnh đó, bác sĩ Tuấn còn đề xuất và chuẩn bị nhiều loại thuốc như: thuốc ho, thuốc kháng sinh, thuốc dị ứng, vitamin…

17 giờ chạy xuyên đêm, 5 xe cấp cứu của Đà Nẵng chi viện TPHCM chống dịch - 3

BS Trần Quốc Tuấn tranh thủ rà soát lại các việc cần làm trong lúc đoàn được nghỉ ngơi lấy lại sức sau một đêm dài di chuyển.

Không chỉ vậy, anh còn chuẩn bị thêm các vật dụng cá nhân cần thiết từ bình khử khuẩn cho đến dao cạo râu và bàn chải đánh răng cho thành viên trong đoàn.

Nói về lý do phải chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, bác sĩ Tuấn chia sẻ: "Mình biết có lẽ những vật dụng thiết yếu ở TPHCM vẫn sẽ có thôi. Nhưng mình vẫn muốn chuẩn bị đầy đủ hết tất cả mọi thứ để có thể chủ động trong mọi tình huống. Vì đoàn mình vào đây với mục tiêu hỗ trợ, nên phải thật đầy đủ và chủ động để hỗ trợ thật tốt. Không thể để bị động và ảnh hưởng đến công tác chống dịch của y tế TPHCM được".

Ngoài ra, trên những chuyến xe từ Đà Nẵng vào TPHCM còn chở theo nhiều đồ ăn, nước uống. Thậm chí là có cả bình đun nước để mọi người có thể nấu mì gói ngay trên xe, tránh việc phải dừng xe mua thức ăn.

17 giờ chạy xuyên đêm, 5 xe cấp cứu của Đà Nẵng chi viện TPHCM chống dịch - 4

Cảnh đoàn công tác dừng lại ở một nơi vắng vẻ để ăn bánh mì đỡ đói (Ảnh: NVCC).

Bác sĩ Tuấn cho biết, trước khi đi, các thành viên đều đã được làm xét nghiệm PCR và cho kết quả âm tính rồi mới lên xe. Để lực lượng hỗ trợ chống dịch đảm bảo "sạch", anh cùng các đồng đội của mình phải hạn chế tiếp xúc với cộng đồng một cách tối đa trong suốt đoạn đường từ Đà Nẵng vào TPHCM. 

Vì vậy, trên cả đoạn đường, đoàn công tác chẳng dám ghé vào bất cứ hàng quán nào để ăn uống nghỉ ngơi. Ngay đến cả việc dừng lại đổ xăng cũng phải hết sức cẩn thận, không dừng ở khu dân cư mà chỉ chọn dừng ở những nơi vắng vẻ, thưa người. Thậm chí, lúc ăn uống, cả đoàn còn chọn một nơi "đồng không mông quạnh, ngồi kế bên những chiếc xe cấp cứu để gặm ổ bánh mì cho đỡ đói. 

"Mình thao thức cả đêm vì vừa nôn nao, vừa lo lắng. Trên đường đi anh em liên tục nhắc nhở và động viên nhau phải thật cẩn trọng. Với mình, đã đi là phải đi cho thật hiệu quả. Vào để cùng chung với anh em y tế TPHCM thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống dịch" - bác sĩ Tuấn chia sẻ.

17 giờ chạy xuyên đêm, 5 xe cấp cứu của Đà Nẵng chi viện TPHCM chống dịch - 5

Sáng 22/7, các thành viên của đoàn công tác Trung tâm Cấp cứu thành phố Đà Nẵng đã bắt đầu nhiệm vụ của mình (Ảnh: NVCC).

Hiện tại, đoàn công tác của Trung tâm Cấp cứu thành phố Đà Nẵng đã hoàn tất việc trao đổi nội dung công việc và nhận nhiệm vụ. Sáng nay 22/7, lực lượng y tế của đoàn đã tiến hành công tác hỗ trợ theo sự phân công và chỉ đạo của Trung tâm Cấp cứu TPHCM. 

Được biết, đoàn công tác dự kiến sẽ ở lại hỗ trợ chống dịch trong khoảng thời gian 1 tháng. Tuy nhiên, thời gian này là không cố định, có thể sẽ ít hoặc nhiều hơn tùy theo tình hình dịch bệnh tại TPHCM.